Không chỉ… “phong trào”!
Lâu nay, như đã thành “lệ”, cứ mỗi lần dư luận bức xúc lên tiếng phê phán về tình trạng chiếm dụng lòng lề đường để buôn bán gây mất trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị… thì ngay sau đó chính quyền có sự chỉ đạo, sau đó các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm lập lại trật tự. Kết quả là tình hình có sự chuyển biến tích cực: đường thông hè thoáng, trật tự an toàn, mỹ quan sạch đẹp… khiến dư luận phấn khởi. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chửa tày gang”! Ngay khi hết chiến dịch cao điểm, các lực lượng ngừng ra quân thì mọi chuyện lại… “vẫn như cũ”.
Trên đây là một ví dụ để nói về một hoạt động thường xuyên được tổ chức trong đời sống xã hội. Trên thực tế, chúng ta thấy hàng năm các ngành, các cấp đều tổ chức nhiều phong trào, chiến dịch cao điểm, chẳng hạn như: lập lại trật tự ATGT; tấn công tội phạm; xử phạt xe quá tải, quá khổ; chống buôn lậu, hàng giả; hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Việc tổ chức mở một chiến dịch cao điểm, phát động một phong trào là sự tập trung mọi nỗ lực nhằm nâng cao tinh thần thực thi công vụ, chấn chỉnh các mặt yếu kém, nâng cao ý thức của người dân, đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong một ngành hay một lĩnh vực nào đấy.
Thực tế cho thấy, cứ mỗi một chiến dịch cao điểm diễn ra của một ngành hay lĩnh vực, thì với việc truyền thông liên tục, ra quân rầm rộ là ngay lập tức ngành đó, lĩnh vực đó có sự chuyển biến tức thì. Chẳng hạn, những vi phạm thường gặp, thường thấy sẽ giảm thiểu đáng kể, nhiều sự lộn xộn đi vào nề nếp thấy rõ, thậm chí đây là khoảng thời gian lực lượng chức năng sẽ… không có nhiều việc để làm vì tình hình tốt hẳn lên.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là sau những chiến dịch hay phong trào cao điểm thì tình hình dường như lại trở lại như cũ (!). Đây là hệ quả khó tránh khỏi của việc chưa đi vào nề nếp, thiếu chiều sâu của ý thức tự giác chấp hành quy tắc chung trong cộng đồng dân cư.
Chúng ta đều hiểu rằng trong việc tổ chức quản lý xã hội thì công tác quản lý nhà nước là thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ trong tất cả các lĩnh vực theo quy định của pháp luật. Còn việc tổ chức các phong trào hay mở chiến dịch cao điểm thì cũng chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng. Vì rằng, không có chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng lúc nào cũng có đủ nhân sự và kinh phí để thực hiện lâu dài các chiến dịch ra quân cao điểm. Do đó, việc tổ chức những phong trào để lôi cuốn đông đảo người dân tham gia, qua đó khơi dậy ý thức của người dân, từ đó biến thành hành động thiết thực vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Vì vậy, công việc thường xuyên hơn vẫn là xây dựng nếp sống tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tạo dựng ý thức và tinh thần trách nhiệm, tôn trọng lợi ích cộng đồng trong xã hội. Chính quyền và cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, xử lý đúng pháp luật đối với những vi phạm xảy ra. Bên cạnh đó, trong việc phát động các phong trào, tổ chức ra quân thực hiện những chiến dịch cao điểm cần gắn với những cuộc vận động rộng rãi quần chúng nhân dân tham gia, được tổ chức một cách bài bản, căn cơ, đi vào chiều sâu… để sau thời gian cao điểm thì những việc đã làm được phải được duy trì, nhân rộng một cách bền vững chứ đừng “đầu voi đuôi tí”!
HẢI ÐĂNG