Anh là cảnh sát hình sự
Từ lâu, tôi đã có ý định kể một câu chuyện về anh. Anh là người đã cùng đồng đội không quản hiểm nguy, ngày đêm tận tụy, quyết liệt đấu trí, đấu sức với tội phạm, ngăn chặn cái ác, bảo vệ cuộc sống bình yên. Anh là thượng tá Huỳnh Văn Còn, Phó trưởng Phòng CSÐT tội phạm về trật tự xã hội - CA tỉnh, là Chiến sĩ thi đua của ngành CAND, được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhân kỷ niệm 53 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban hành Pháp lệnh Cảnh sát nhân dân (20.7.1962 - 20.7.2015) xin kể đôi điều để mọi người cùng biết thêm về anh.
Tôi hẹn gặp anh vào buổi tối, tại phòng làm việc của anh ở 41 đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn, vì nghĩ ban ngày anh bận rộn. Thế nhưng vừa thấy tôi, anh đã lôi ra xe mô tô: “Anh đi cùng tôi một chuyến tuần tra đêm nhé. Tôi muốn anh đi thực tế để hiểu thêm”.
Để niềm vui trọn vẹn
Đường phố Quy Nhơn cuối tuần nhộn nhịp hơn thường ngày. Thượng tá Còn chở tôi qua một số đường phố tấp nập người xe. Đến đường Xuân Diệu thì thấy 4 thanh niên mặc thường phục đi trên 2 xe mô tô vẫy chào chúng tôi. Đó là những trinh sát hình sự đang làm nhiệm vụ.
Đường Xuân Diệu có nhiều nhà hàng hải sản, anh bảo trước khi hoạt động phạm pháp, bọn tội phạm lưu động cũng như bao du khách khác, thường tìm đến đây thưởng thức đặc sản biển. Nhiệm vụ của trinh sát hình sự là sàng lọc trong số cả ngàn thực khách đó, ai là kẻ trộm cắp, cướp giật giấu mặt. Những kẻ móc túi chuyên nghiệp phần đông là đối tượng từ các tỉnh khác đến, chúng đi theo nhóm và dù thời tiết nóng bức cũng không quên mặc áo khoác, dùng để che chắn cho đồng bọn khi hoạt động phạm pháp. Phát hiện nhóm người nào có những dấu hiệu đó, trinh sát lập tức tiếp cận để xác định thêm và khi đã đủ căn cứ nghi vấn thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trấn áp. Với phương châm phòng ngừa là chính nên các anh thường tác động nghiệp vụ để chúng không dám ra tay.
Nhân tiện, thượng tá Còn kể, cách nay mấy năm, trong một lần tỉnh tổ chức hội chợ triển lãm với hàng chục ngàn người tham dự, có một nhóm 10 đối tượng ở các tỉnh phía Nam kéo đến hoạt động phạm pháp. Thủ đoạn của chúng là tạo tình huống lộn xộn để lợi dụng móc túi, cướp giật. Không thể để chúng hoành hành, cảnh sát hình sự, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đã tác động không để chúng có điều kiện gây án. Biết không thể “làm ăn” được nữa, ngay trong đêm bọn chúng đón xe chuồn khỏi Quy Nhơn. Để phục vụ công tác nghiệp vụ và răn đe đối tượng, thượng tá Huỳnh Văn Còn chỉ đạo trinh sát phối hợp cùng CA TP Quy Nhơn, CA thị xã Sông Cầu (Phú Yên) dừng ô tô khách tại địa phận Sông Cầu, đưa cả nhóm về trụ sở công bố hành vi của chúng và lập hồ sơ theo dõi.
Anh Còn tâm sự: “Quan điểm cốt lõi của mình là phòng ngừa, ngăn chặn; không để tội phạm gây án là chính. Để chúng ra tay, gây hại cho xã hội thì dù có nhanh chóng bắt được chúng thì hậu quả cũng đã xảy ra rồi, nhiều vụ việc không thể khắc phục được. Thế nên, vừa rồi tôi rất tâm đắc khi nghe Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, Trưởng ban chuyên án vụ thảm sát tại tỉnh Bình Phước (6.2015) trả lời báo giới: “Đối với chúng tôi, đây không phải là chiến công mà chỉ là trách nhiệm và mới chỉ hoàn thành một phần. Chiến công phải là để cho những vụ án như thế này không xảy ra”.
Cách xử lý, răn đe, trấn áp tội phạm của Công an Bình Định đạt hiệu quả cao và bền vững. “Những năm gần đây, Bình Định tổ chức nhiều lễ hội kéo dài nhiều ngày và rất đông người dự, nhưng nhóm đối tượng này không dám xuất hiện. Nhiều nhóm khác cũng e dè khi nghĩ tới việc gây án ở tỉnh mình. Và, nạn móc túi, cướp giật tại những lễ hội đó đã được phòng ngừa hiệu quả. Cả những đợt thi ĐH, CĐ tại cụm thi Bình Định với hàng chục ngàn thí sinh và người nhà mỗi đợt, công tác ANTT cũng đảm bảo”, thượng tá Huỳnh Văn Còn vui vẻ nói thêm.
Đêm đi tuần tra cùng anh, tôi có điều kiện để hiểu một cách sâu sắc hơn rằng, không ít người, trong đó có anh cùng đồng đội, đã gác lại niềm vui riêng, khắc phục khó khăn, vất vả để giữ niềm vui của mọi người được trọn vẹn.
Trấn áp quyết liệt, lập công xuất sắc
Các đội công tác do thượng tá Huỳnh Văn Còn chỉ huy ngoài nhiệm vụ phòng ngừa còn trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó, đấu tranh trấn áp tội phạm hoạt động lưu động là một thử thách lớn.
Thực tiễn đã giúp anh hiểu rõ, có những điều nằm ngoài giáo án của trường nghiệp vụ CA và có những điều nếu áp dụng máy móc theo sách vở có thể dẫn mọi hướng điều tra vào ngõ cụt. Chính vì vậy, qua mỗi vụ án trực tiếp chỉ huy, tham gia điều tra, dù thành công hay thất bại, anh đều đúc rút những kinh nghiệm quý báu để áp dụng trong chỉ đạo, mở lối cho trinh sát.
“Quan điểm cốt lõi của mình là phòng ngừa, ngăn chặn; không để tội phạm gây án là chính. Ðể chúng ra tay, gây hại cho xã hội thì dù có nhanh chóng bắt được chúng thì hậu quả cũng đã xảy ra rồi, nhiều vụ việc không thể khắc phục được, trong đó đáng tiếc nhất là hậu quả về con người”
Nhờ đó, anh đã góp phần cùng đồng đội đấu tranh thắng lợi nhiều vụ án nghiêm trọng như: triệt phá băng trộm, bắt Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Thành Triều, Bùi Đức Trọng ở Tuy Phước, làm rõ 113 vụ trộm xe mô tô, trị giá trên 1,6 tỉ đồng (1.2013); điều tra, bắt Nguyễn Anh Sơn, Nguyễn Văn Toàn (ở Quy Nhơn) và Nguyễn Đăng Pho (ở Quảng Ngãi) làm rõ hàng chục vụ cướp giật tài sản (11.2013); kết thúc thắng lợi chuyên án truy xét, bắt giữ Lê Anh Tuấn, Huỳnh Bảo Toàn và Nguyễn Văn Thành (Cát Lâm, Phù Cát), làm rõ nhiều vụ trộm két sắt. Trước đó, với vụ hiệu vàng Ngọc Thiện Phẩm ở đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn bị cướp, dưới sự chỉ đạo của thượng tá Huỳnh Văn Còn, các trinh sát hình sự sau một ngày đêm truy xét đã bắt thủ phạm, thu hồi tang vật.
Và có lẽ đáng nhớ nhất là vụ Hoàng Ngọc Thịnh (SN 1988, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) cùng đồng bọn gây ra 4 vụ cướp tài sản trên QL19, đâm chết 1 người mà anh đã trực tiếp cùng đồng đội không quản hiểm nguy, kiên quyết truy bắt đến cùng.
Sau khi gây ra các vụ án kinh hoàng nói trên vào rạng sáng 28.10.2012 trên địa bàn huyện Tây Sơn, Thịnh cùng đồng bọn bị cảnh sát hình sự CA tỉnh truy đuổi. Chiều tối 28.10, phát hiện hướng di chuyển của bọn cướp, tổ công tác truy đuổi đến địa phận xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn và ép ngã một trong 2 xe mô tô chở 6 tên cướp, bắt 1 tên ; nhân dân hỗ trợ đuổi bắt 2 tên nữa. 3 tên cướp bị sa lưới là Huỳnh Văn Lập, Nguyễn Ngọc Vương và Đinh Văn Vũ. Còn lại Hoàng Ngọc Thịnh, Nguyễn Cao Duy, Nguyễn Công Thạnh chạy ra đến huyện Phù Mỹ trốn vào chân núi.
Được giao nhiệm vụ tổ chức truy lùng, thượng tá Huỳnh Văn Còn cùng các trinh sát nhanh chóng xuất kích. Mặc dù biết đối tượng hung hăng, liều lĩnh, có hung khí và trốn chạy mỗi tên một hướng nhưng với sự dũng cảm, mưu trí, phán đoán nhanh, chính xác, đến 18 giờ ngày 28.10, trinh sát đã bắt được Duy và Thạnh. Tên Thịnh tiếp tục lẩn trốn. Thượng tá Còn chỉ đạo triển khai các biện pháp nghiệp vụ cần thiết và điều mạng lưới của mình vào cuộc. Là một tên lưu manh chuyên nghiệp, lọc lõi nên Thịnh luôn cảnh giác. Tuy nhiên, với sự quyết đoán và nhạy bén của người chỉ huy, thượng tá Huỳnh Văn Còn nhận định được hướng chạy trốn của Thịnh, cho trinh sát đón lõng tại khu vực Gò Găng thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn và bắt giữ Thịnh trước khi y lên ô tô khách đang trong hành trình vào Nam.
Một chút riêng tư
Thượng tá Huỳnh Văn Còn chỉ có một con trai đang học THPT. Anh bảo, anh muốn con nối nghiệp mình làm lính hình sự, nhưng vợ anh thì còn băn khoăn. Bởi dù đã quen với những tiếng chuông điện thoại lúc nửa đêm gọi anh đi đánh án, chị vẫn không khỏi thao thức, trằn trọc, lo lắng. Chị không biết giữa bóng tối mênh mông dày đặc kia và khi cái ác còn chưa được thanh loại, điều gì đang chờ chồng mình. Thương anh, chị nghĩ đến con và băn khoăn là vậy.
Còn anh, với ý nghĩ, con người cũng như rừng cây, nếu mọc riêng lẻ khó lên thẳng, là lính mà không gắn bó với tập thể thì khó phát triển tốt, nên anh luôn hòa mình cùng đồng đội, gắn bó, chia sẻ với họ niềm vui, nỗi buồn, cùng họ vượt qua khó khăn để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh quyết liệt với tội phạm. Với gia đình, anh hết lòng dành cho họ sự yêu thương và chăm sóc. Và anh hiểu, cũng như anh, họ luôn mong muốn cuộc sống bình yên và sẽ luôn động viên anh trong mọi công việc.
MAI LINH GIANG
Cảm ơn tác giả Mai Linh Giang đã rất cảm thông, chia sẻ với nỗi niềm của người cảnh sát hình sự. NHững trăn trở nêu trên không chỉ của thượng tá Còn mà của tất cả những cán bộ, chiến sỹ công an chân chính. "Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc nhân dân làm niềm vui lẽ sống của chính mình" là phương châm của hầu hết chiến sỹ CAND, đặc biệt là các chiến sỹ cảnh sát hình sự, cảnh sát truy nã tội phạm, họ chỉ biết đến việc làm sao bắt co được tội phạm, không quan tâm đến một quyền lợi nào, còn phải hy sinh hạnh phúc gia đình rất nhiều nữa. Đọc bài viết này cũng thấy buồn vì hiện tại có không ít những cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CSND lợi dụng màu áo để thực hiện mục đích thu vén cho bản thân và gia đình, làm những việc sai trái, đã xúc phạm nghiêm trọng đến hình ảnh đẹp của người chiến sỹ CAND. Tâm tư của thượng tá Còn về việc muốn con kế tục sự nghiệp của mình là rất chính đáng, nhưng nếu chỉ vì vợ băn khoăn mà không thực hiện được thì điều đó dễ thông cảm, làm nhiệm vụ gì miễn có ích lợi cho nhân dân, cho đất nước đều là tốt, đâu phải cứ làm công an. Chỉ sợ tâm tư của anh không thực hiện được vì những lý do tế nhị thì mới rất đáng buồn... Mong anh thực hiện được ý nguyện của mình.