Suy nghĩ dọc biển
Nhìn từ đỉnh núi Vũng Chua xuống, bờ biển Quy Nhơn như một vầng trăng khuyết, thơ và đẹp. Có lẽ vì thế mà nơi đây đã sản sinh những nhà thơ nổi tiếng như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu… với những bài thơ tình, thơ trăng nổi tiếng.
Đó là nhìn từ xa, từ trên cao. Còn tôi bây giờ đang lang thang dọc bờ biển và suy nghĩ về phố biển Quy Nhơn, nơi mà những người bạn tôi vẫn thường tự hào “đất Võ, trời Văn”… Niềm tự hào đó không có gì quá đáng, khi tôi đang cảm nhận về thành phố và con người ở đây đẹp và có gì đó rất thân thiện.
Từ khách sạn Hoàng Gia, tôi thả bộ về eo biển Quy Nhơn qua những khu công viên khá đẹp. Những thân dừa cao vút đu đưa trước gió, những vườn hoa, lối đi như cuốn hút những người khách phương xa. Người bạn đi cùng tôi là dân Quy Nhơn bảo, ngày mới giải phóng dọc bờ biển này chỉ toàn cát và những bụi cây dại, rau muống biển… Cách đây vài năm các vườn hoa chỉ có hoa, cỏ, nay được đặt thêm các tượng nghệ thuật, tô điểm thêm cho công viên.
Chầm chậm qua những khách sạn, những lối rẽ, rồi Trường ĐH Quy Nhơn. Ngôi trường có lịch sử hơn nửa thế kỷ. Trước giải phóng đó là trường Sư phạm Quy Nhơn, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thời gian theo học. Nay nghe nói theo quy hoạch tổng thể mới của thành phố, trường sẽ di dời ra ngoại thành. Lòng tôi như có gì đó trống vắng, dù tôi không phải là sinh viên hay giảng viên của trường này…
Khu eo biển Quy Nhơn ngày nào nay đã là một quảng trường lớn, có thể nói là “hoành tráng”. Cạnh Quảng trường Trung tâm tỉnh có hai tấm pa-nô lớn trưng bày mô hình kiến trúc Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ của tỉnh để lấy ý kiến nhân dân về địa điểm xây dựng và mô hình. Đã có những ý kiến đóng góp về công trình lớn này và những phân tích để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện đúng với nguyện vọng nhân dân.
Đường Xuân Diệu là một trong những con đường đẹp của Quy Nhơn hiện nay, vỉa hè rộng lát đá Granite khá sạch sẽ. Và ở đây, tôi lại gặp những bức tượng được tạc bằng đá cẩm thạch với những hình dáng thể hiện cho “đất Võ, trời Văn”. Đó là tượng người đàn ông đang đánh quyền, tượng người đàn ông đánh roi, tượng rượu Bàu Đá (bầu đựng rượu), bánh ít lá gai (những khối hình tam giác cân), đánh bài chòi… Có lẽ do mình chưa thẩm thấu được ý đồ của tác giả, nên tôi thấy đó chỉ là những hình thù không ấn tượng gì cả. Và hình như cũng ít du khách đến bên tượng để chụp hình kỷ niệm về Quy Nhơn…
Một chiều Quy Nhơn với tôi là quá ít, nhưng những gì đã thấy cho tôi ấn tượng đẹp về thiên nhiên, con người; về những công trình văn hóa ở đây với những điều được và chưa được theo góc nhìn của cá nhân.
KHOA VĂN