Không nên trồng cây sò đo cam
Gần đây cây sò đo cam (còn có tên gọi khác là chuông đỏ, hồng kỳ, tulip châu Phi..., tên khoa học là Spathodea campanulata) - một loại cây cho hoa khá đẹp bắt đầu được trồng tại một số nơi ở Quy Nhơn. Tuy nhiên có rất ít người biết rằng đây là một loại cây tạo ra nhiều tác hại cho môi trường.
Từ năm 2003, trong cuốn sách Sinh vật ngoại lai xâm hại: sự xâm lăng thầm lặng, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đưa cây này vào vị trí 41 trong danh sách “100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới”. Theo cảnh báo của IUCN, cây sò đo cam đã xâm hại khiến nhiều vùng đất nông nghiệp ở châu Phi hoang hóa. Cây sò đo cam có thể phát triển tốt trong môi trường khắc nghiệt, chịu khô hạn, có rất nhiều hạt nhỏ, có khả năng phát tán rộng, phát triển rất nhanh.
Cây sò đo cam hiện đang được nhiều người xin giống, chiết trồng do tạo được bóng mát, dễ trồng, mau lớn, hoa của cây có màu cam rực rỡ hấp dẫn. Thế nhưng, ẩn sau vẻ đẹp rực rỡ đó, sò đo cam lại chứa trong mình một loại chất độc rất nguy hiểm, được gọi là biolarvicides, thường có trong hoa của cây. Đây là loại chất độc gây ảnh hưởng tới nhiều sinh vật sống xung quanh sò đo cam, khiến hệ sinh thái bị thay đổi. Nếu không có các biện pháp kịp thời, sò đo cam sẽ gây ra sự biến mất dần dần của các quần thể động vật sống xung quanh cây, đe dọa đa dạng sinh học bản địa. Mức độ nguy hiểm của loại cây này tương tự như cây mai dương.
ĐÔNG A
Cảm ơn tòa soạn đã bổ sung hình ảnh cho bài viết.
Trước khi đọc bài viết này tôi không hề biết loài cây này, sau khi đọc xong tôi cũng không biết cây này là cây gì luôn. Một bài viết không có hình ảnh minh họa thì làm sao thuyết phục người đọc. Đề nghị tòa soạn lần sau có đăng những mẫu tin như thế này cần hình ảnh minh họa, nếu không thì đừng đăng vì chẳng khác nào đánh đố người đọc.