Triển khai Luật Hộ tịch: Đòi hỏi nâng cao năng lực cán bộ
Trước quy định này, nhiều ý kiến lo ngại về khả năng đảm đương của đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác hộ tịch hiện nay khi ngoại ngữ không phải là lợi thế của họ. Chưa kể, việc tăng thêm yếu tố nước ngoài vào công vụ đòi hỏi đội ngũ này và cả cán bộ, chuyên viên hỗ trợ, phối hợp giải quyết phải am hiểu không chỉ Luật Hộ tịch mà còn các luật khác liên quan như hôn nhân gia đình, công chứng, dân sự, lao động...
Nhiều thay đổi quan trọng
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh riêng lĩnh vực hộ tịch với nhiều quy định mang tính đột phá sau hơn 60 năm thực hiện bằng các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các bộ. Đó là phân cấp mạnh công việc về cấp cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, đồng thời gắn việc cung cấp khai sinh với việc cấp số định danh cá nhân.
Với những điểm mới này, nếu thực hiện thành công thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất. Các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác, sử dụng thông tin để giải quyết các yêu cầu của người dân nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật, giảm một cách đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính của cả người dân và cơ quan nhà nước.
Nhưng triển khai ra sao, hiệu quả của luật thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. "Tầm quan trọng của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, các yêu cầu nghiêm ngặt của công tác đăng ký hộ tịch về tính khách quan, trung thực, chính xác đòi hỏi công chức tư pháp, nhất là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp và trách nhiệm, đạo đức công vụ cao, đồng thời phải luôn cập nhật những kỹ năng nghiệp vụ mới, hiện đại" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định.
Cũng theo người đứng đầu ngành tư pháp, đây là thời điểm các địa phương phải nhận diện được những thách thức đã và đang diễn ra trong quá trình triển khai bộ luật để cùng các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ khó khăn, có bước tiếp cận tập dượt công việc, bảo đảm từ ngày 1.1.2016 - thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực, cán bộ hộ tịch có thể làm chủ công nghệ và thực hiện nhiều thủ tục liên thông.
Cân nhắc việc bỏ phỏng vấn đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài
Một trong những quy định mang tính cải cách được nhiều địa phương ủng hộ là bỏ thủ tục phỏng vấn đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài; cấp huyện sẽ có thêm thẩm quyền giải quyết toàn bộ việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Nhưng tâm trạng chung là... vừa làm vừa lo.
Khẳng định ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương và của TP Hà Nội về cải tiến mô hình quản lý và đăng ký hộ tịch theo hướng tập trung việc đăng ký hộ tịch vào hai cấp xã, huyện, UBND quận Cầu Giấy đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch trên địa bàn quận cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp hộ tịch gồm 9 người hiện nay đều đạt các tiêu chuẩn chức danh theo quy định, có trình độ đại học trở lên.
Song bà Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tư pháp quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, không chỉ trong công tác tư pháp mà trong các công tác quản lý nhà nước khác, mọi vấn đề có liên quan đến yếu tố nước ngoài lâu nay đều do cấp tỉnh giải quyết. Vì thế, với cấp xã, phường, tâm lý e ngại vấn đề có yếu tố nước ngoài là một trở ngại không nhỏ.
Xét về tổng thể, năng lực của tư pháp quận Cầu Giấy, từ đó suy ra năng lực hiện tại của đại đa số cấp quận, huyện trên cả nước, chỉ đủ bảo đảm tốt cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ như hiện tại. Việc tăng thêm yếu tố nước ngoài vào công vụ đòi hỏi phải có sự chuyển đổi về chất, từ chuyên môn nghiệp vụ đến khả năng ngôn ngữ, giao tiếp; sự am hiểu không chỉ Luật Hộ tịch mà còn các luật khác liên quan như hộ tịch, công chứng, dân sự, lao động... và không chỉ dành cho cán bộ chuyên trách mà cả cán bộ, chuyên viên khác trong hỗ trợ, phối hợp giải quyết.
Vì vậy, không có cách nào khác, phải tiếp tục quan tâm đào tạo nâng cao trình độ cán bộ; khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Hộ tịch. Điểm cốt lõi nhất là phải quy định thật rõ quy trình thực hiện, cơ chế phối hợp trên cơ sở phân định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài, bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ này của cấp quận không phải thực hiện dưới dạng xin - cho trong quan hệ với cơ quan khác.
Quá trình thực hiện, bà Trần Thị Nhanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị phải hết sức cân nhắc bỏ thủ tục phỏng vấn khi kết hôn với người nước ngoài. Vì tại địa phương này, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 23 trường hợp kết hôn bị từ chối thông qua phỏng vấn vì các bên chưa thực sự hiểu nhau.
Trước các ý kiến này, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch quốc tịch chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe phản ánh từ cơ sở tìm hướng tháo gỡ, đặc biệt là nghiên cứu xem có bỏ thủ tục phỏng vấn hay không và nếu giữ thì chỉnh sửa thế nào cho phù hợp và thuận tiện nhất cho người dân.
Theo Hà Phong (HNM)