Từ chuyện nhiều tàu cá gặp nạn trên biển
Từ đầu năm đến nay, nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh ta liên tiếp gặp nạn trên các vùng biển xa. Hiện tượng này báo động về công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang hành nghề trên biển.
Tai nạn dồn dập
Được lai dắt vào bờ an toàn nhưng nét thẫn thờ vẫn còn hiển hiện trên gương mặt sạm nắng của ngư dân Nguyễn Trung Triều (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu cá BĐ 96778 - TS. Anh Triều kể: “Vào tối 5.7, khi tôi cùng 11 ngư dân khác trên tàu đang hành nghề lưới rê thì tàu bị mắc cạn tại vị trí 10 độ 05 phút vĩ độ Bắc, 106 độ 52 phút kinh độ Đông, cách bờ biển Tiền Giang khoảng 12 hải lý về phía Đông Nam (nằm trên vùng biển tỉnh Bến Tre); sau đó, tàu bị hỏng trục lái và bị phá nước. Dù rất nỗ lực nhưng tôi và các bạn đi biển không thể nào khắc phục được sự cố”.
“Cái khó nằm ở chỗ khi được cứu nạn thì ngư dân không phải hoàn trả chi phí; còn cứu hộ thì phải trả phí - khoản phải trả đôi khi lên đến vài trăm triệu đồng”
Ông NGUYỄN XUÂN BÌNH, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 tại Nha Trang (Khánh Hòa)
Anh Triều cho biết thêm: Tàu cá và ngư dân lúc đó ở trong tình thế nguy hiểm nên buộc phải liên hệ với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tiền Giang nhờ ứng cứu. Sau khi nhận được tin báo, đơn vị này đã chỉ đạo tàu Biên phòng 15-04-01 thuộc Hải đội 2 đến cứu nạn. Đến 24 giờ cùng ngày, tàu Biên phòng 15-04-01 đã tiếp cận ở gần vị trí chúng tôi gặp nạn, nhưng do sóng to gió lớn nên tàu Biên phòng không tiếp cận được tàu cá. Mãi đến 3 giờ 15 phút ngày 6.7, tàu Biên phòng mới tiếp cận được phương tiện, cứu 12 ngư dân, lai dắt phương tiện bị nạn vào bờ.
Trước đó, vào ngày 27.6, tàu cá BĐ 97173 - TS do ông Nguyễn Văn Trạng, ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, trên tàu có 7 thuyền viên đang câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa (Khánh Hòa) thì tàu bị hỏng máy, thả trôi nhiều ngày trên vùng biển gần đảo Song Tử Tây - quần đảo Trường Sa. Sau đó, tàu SAR27-01 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (VNMRCC) đã tiếp cận và tiến hành hỗ trợ lai dắt vào bờ an toàn vào ngày 30.6.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT), đây là 2 trong số hơn 11 tàu cá của ngư dân Bình Định gặp tai nạn trên biển trong 7 tháng đầu năm 2015. Điều đáng lo ngại là mỗi khi gặp nạn, nguyên nhân được chỉ rõ là do thời tiết xấu (gió to, biển động mạnh) khiến tàu cá gặp nạn. Có thể gọi đó là yếu tố khách quan. Còn về chủ quan là do nhiều tàu cá đã quá cũ, máy móc, thiết bị lạc hậu, hệ thống thông tin liên lạc, định vị… không đầy đủ, nên khả năng tránh bão và chịu đựng sự tác động của gió bão rất kém. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ thuyền trưởng, máy trưởng chưa được đào tạo hoặc có qua đào tạo nhưng tay nghề còn hạn chế vẫn cầm lái đưa tàu vươn khơi khiến việc xử lý tình huống, sự cố không được tốt.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 tại Nha Trang (Khánh Hòa), nêu ý kiến: Thời gian qua, các vụ tàu cá gặp nạn trên biển phần lớn xảy ra trên vùng biển 2 ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là 2 ngư trường rất rộng. Khi tàu cá gặp nạn việc ứng cứu, cứu hộ tàu cá thường gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Thông thường, khi bị hỏng máy thì các chủ tàu nhờ tàu khác cùng ngư trường ứng cứu hoặc liên hệ với đồn biên phòng nhờ hỗ trợ chứ hiếm khi cầu cứu đến lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp. Cái khó nằm ở chỗ khi được cứu nạn thì ngư dân không phải hoàn trả chi phí; còn cứu hộ thì phải trả phí - khoản phải trả đôi khi lên đến vài trăm triệu đồng.
Nỗ lực giúp ngư dân
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN&PTNT: Để chủ động hỗ trợ ngư dân trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, hiện nay, hệ thống thông tin liên lạc giữa Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thủy sản đã kết nối với các địa phương, các chủ tàu, các đài thông tin duyên hải, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và Trung ương.
“Đặc biệt, trước mùa mưa bão năm nay, việc tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai cho ngư dân; xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị đối phó phù hợp với thực tế; hướng dẫn ngư dân trang bị các thiết bị an toàn như ra-đa hàng hải, máy đàm thoại và các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn… trước khi ra khơi đánh bắt”, ông Dương bày tỏ.
Để hạn chế thiệt hại đáng tiếc về người và phương tiện khi gặp nạn trên biển, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, các địa phương đã thành lập hàng trăm tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để ngư dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi không may gặp rủi ro. Mặt khác, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; nâng cao chất lượng đăng kiểm định kỳ và tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá tại các đồn biên phòng trước khi ra khơi.
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 tàu cá (công suất 90 CV trở lên) tham gia đánh bắt, khai thác xa bờ; đó chưa kể con số hơn 2.000 tàu cá khác đang tham gia hoạt động khai thác ở vùng lộng, gần bờ.
TRỌNG LỢI