Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII - 2015:
Sinh động sắc màu lễ hội dân gian
Sáng 22.7, các đoàn tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII - 2015, đã tái hiện các lễ hội dân gian ở địa phương mình. Trên nền văn hóa truyền thống, tiết mục của các đoàn đã thể hiện sắc thái riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa các dân tộc.
Hướng về những điều tốt đẹp
Huyện An Lão - đơn vị chủ nhà - đã mời các đoàn tham gia Ngày hội về xem lễ Cúng bến nước của người Hre, một nghi lễ cổ truyền của cộng đồng để tạ ơn Yàng (trời), tổ tiên, thần linh phù hộ cho mọi người sức khỏe, bình an, nguồn nước dồi dào, mùa màng tươi tốt, súc vật mau lớn… Nghi lễ bắt đầu bằng việc cúng tại bến nước, với lễ vật là rượu, trầu cau, gạo và một con gà trống màu trắng. Thầy cúng tiến hành sói ia (cúng gà) khi vừa cắt tiết gà vừa khấn: “Hôm nay bà con dân làng làm lễ cúng bến nước, cầu mong các Yàng phù hộ cho nguồn nước trong lành, không bao giờ khô cạn. Mọi người trong làng khi uống nguồn nước này đều mạnh khỏe như con voi rừng, mùa màng tốt tươi, lúa bắp đầy kho”. Bà con dân làng bỏ trầu cau vào bàn cúng để thầy tiếp tục cúng gửi gắm những tâm tư và mong muốn tốt đẹp của dân làng đến với thần linh… với nhiều nghi thức tiếp nối sau đó.
Tái hiện lễ “Tết trâu” của người Ba na huyện Hoài Ân.
Ông Bùi Đức Phú, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện An Lão, cho biết: “Ngày nay, bến nước đã thay đổi, có khi là bể chứa hoặc một công trình nước sạch được dẫn từ thượng nguồn về. Tuy nhiên, về mặt tâm linh thì dân làng vẫn đến cúng “thần nước” sau một năm làm lụng vất vả, với hy vọng tẩy trừ được những xui xẻo, rủi ro của năm cũ và bước sang năm mới với những điều tốt đẹp hơn”.
Đoàn huyện Vĩnh Thạnh đã tái hiện Lễ hội mừng nhà rông mới một cách sinh động bằng ba giai đoạn cúng với các vật hiến tế và phối hợp diễn tấu cồng chiêng, hát múa, sinh động. Trong đó, tái hiện nghi lễ đâm trâu (cho người đóng giả trâu) với sự tham gia của nhiều nghệ nhân cao tuổi tạo được ấn tượng với người xem. Sau khi tham gia tích cực vào các nghi thức Lễ hội, nghệ nhân Đinh Chương, ở làng K8 xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, giải thích: “Theo tập tục truyền thống của người Ba na, trong khoảng 5 năm mà các làng ít bị ốm đau, không xảy ra dịch bệnh, làm ăn tốt… thì làng sẽ tổ chức ăn mừng bằng lễ hội Mừng nhà rông mới. Việc tổ chức lễ hội là sinh hoạt ý nghĩa được tất cả thành viên trong làng đón nhận bằng niềm vui sướng nhất”.
Chị Nguyễn Thị Ánh (20 tuổi), ở làng 7 xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tâm sự: “Bố mình là người Ba na, mẹ là người Chăm H’roi, nhưng mình còn chưa hiểu biết nhiều về văn hóa truyền thống của hai dân tộc. Rời làng đi học ở Đại học Quy Nhơn mấy năm qua, tranh thủ thời gian nghỉ hè mình về tham gia giới thiệu lễ hội dân gian trong Ngày hội năm nay. Nhờ vậy, mình mới biết được nhiều điều thú vị về lễ hội dân gian cũng như những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mình và các dân tộc khác sống ở miền núi”.
Đoàn huyện Hoài Ân tái hiện lại lễ “Tết trâu” của người Ba na trong ngày hội qua những nghi thức mang ý nghĩa cúng cầu cho con trâu to khỏe, sinh sản nhiều… đồng thời cầu cho gia đình bình an, ăn nên làm ra. Những giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống cũng được đoàn huyện Tây Sơn tái hiện tại lễ hội cầu mưa của người Ba na, lễ hội cúng thần làng của người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, lễ hội cúng mừng nhà rông của người Ba na ở huyện Phù Cát.
Tôn vinh và bảo tồn văn hóa truyền thống
Ban tổ chức Ngày hội đã yêu cầu các đoàn tham gia phần lễ hội dân gian tiến hành sưu tầm, giới thiệu khái quát trình tự một nghi thức gắn với tín ngưỡng dân gian trong thời lượng chưa đến 30 phút. Qua những lễ hội dân gian mà các đoàn đem đến giới thiệu đã cho thấy những nét tương đồng trong văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số là cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Một số lễ hội cũng đã được tổ chức rút gọn lại theo hướng văn minh hơn, nhưng vẫn giữ được những nghi thức cơ bản. Như trong lễ cúng bến nước của đồng bào Hre ở huyện An Lão đã không còn tổ chức uống rượu nhiều như trước đây.
Từ thực tế trong Ngày hội đã cho thấy ở các địa phương vẫn còn khá nhiều già làng, nghệ nhân am hiểu những nghi thức truyền thống các lễ hội. Đây là lực lượng nòng cốt cần được tạo điều kiện để có thêm những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội dân gian ở miền núi. Đáng ghi nhận là các đoàn đều tạo điều kiện cho lực lượng trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên tham gia tái hiện lễ hội dân gian. Qua đó, góp phần giúp cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm để có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hoài Thu