Hội tụ nét đẹp văn hóa truyền thống
Tối 23.7, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII -2015 tại huyện An Lão đã kết thúc sau 3 ngày sôi động các lễ hội dân gian, các chương trình nghệ thuật quần chúng mang nét đẹp truyền thống các dân tộc, âm hưởng núi rừng hùng vĩ.
Thể hiện bản sắc văn hóa các dân tộc
Cùng với các chương trình văn hóa đặc sắc thể hiện nét đẹp các lễ hội dân gian của đồng bào Bana, Chăm Hroi, Hre như Cúng bến nước (An Lão), Mừng nhà rông mới (Vĩnh Thạnh), Cầu mưa (huyện Tây Sơn), Cúng thần làng (Vân Canh), Tết trâu (Hoài Ân)…, phần Liên hoan văn nghệ quần chúng các đoàn cũng khá phong phú, đa dạng.
Nghệ nhân cao tuổi Phan Chí Thành (đứng giữa) vẫn giữ vai trò trụ cột trong chương trình tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng của huyện Phù Cát.
Chương trình nghệ thuật của huyện Vĩnh Thạnh cuốn hút người xem ngay từ phần mở đầu hòa tấu nhạc cụ dân tộc với tiếng đàn T’rưng đầy lôi cuốn của nghệ nhân Đinh Y Băng. Tiết mục múa “Mừng hội về” sinh động, hấp dẫn từ những động tác múa nhịp nhàng, uyển chuyển trên nền âm nhạc truyền thống của lực lượng diễn viên trẻ, nữ duyên dáng và nam khỏe khoắn trong trang phục thổ cẩm truyền thống.
Nghệ nhân Đinh Y Băng (72 tuổi) tâm sự: “Tuổi cao nhưng có nghỉ ở nhà thì cái bụng cũng không yên, bởi lớp trẻ đã quen với tiếng đàn của tôi mới ca hay, múa dẻo hơn. Đây cũng là dịp để kết hợp hướng dẫn, giảng giải cho các cháu về những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của dân tộc mình…”.
Chương trình huyện An Lão tạo ấn tượng đẹp qua những làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc đặc trưng của đồng bào Hre. Các tiết mục độc tấu đàn pơ ró réo rắt, đàn vin vút trầm bổng… đã khiến khán giả như chìm vào những âm thanh của núi rừng cùng sự gửi gắm tâm tình trong tiếng đàn của nghệ nhân. Các tiết mục dân ca của đoàn An Lão chinh phục mọi người với những giọng hát ngọt ngào, giai điệu hay và nội dung ý nghĩa. Chương trình của các huyện Vân Canh, Hoài Ân cũng đã khai thác được những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc ở địa phương như cách biểu diễn trống kơ toang độc đáo của người Chăm Hroi, kể khan, đánh cồng chiêng…
Cùng với Liên hoan văn nghệ quần chúng, các đoàn về tham gia các phần thi dệt vải thổ cẩm, đan xadah, các trò dân gian càng góp thêm cho Ngày hội thêm những sắc màu văn hóa truyền thống đậm chất cư dân miền núi.
Gợi mở cho công tác bảo tồn, phát huy
Qua nội dung thi gắn liền với việc bảo tồn âm nhạc truyền thống trong Ngày hội, có thể thấy những hạt nhân nổi trội có sự am hiểu rộng, tài năng biểu diễn vẫn là các nghệ nhân cao tuổi đã tham gia nhiều kỳ lễ hội như Phan Chí Thành ở huyện Phù Cát; Đinh Y Băng, Đinh Chương, Đinh Chung Thắng ở huyện Vĩnh Thạnh; Đinh Văn Miên ở huyện An Lão…
Nghệ nhân Đinh Chung Thắng, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, bộc bạch: “Cái bụng cứ buồn buồn vì lớp trẻ đồng bào mình ngày càng ít chịu khó cái tai nghe, cái miệng hát, cái tay tập chơi nhạc cụ… nên trong Ngày hội năm nay không có nhiều gương mặt trẻ thực sự hát hay, đàn giỏi và am hiểu về phong tục truyền thống”.
Các đại biểu, các nhà chuyên môn văn hóa còn băn khoăn, có các ý kiến đánh giá khác nhau về tính kế thừa và cách tân văn hóa truyền thống. Chẳng hạn như khi hát dân ca có cần múa minh họa không, hay kể khan mà minh họa bằng các nhân vật có thể lấn mất lời của người kể chuyện…
Để góp phần gầy dựng lực lượng bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, một số đoàn tham gia Ngày hội năm nay đã mạnh dạn “trẻ hóa” đội hình. Tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng, đoàn Tây Sơn đã “trình làng” lực lượng diễn viên là các em nhỏ người Bana ở xã Vĩnh An. Chị Đinh Thị Lựa, một khán giả hiện đang là giáo viên ở thị trấn An Lão, cho biết: “Nhiều em học sinh đồng bào dân tộc hiện nay đã ngại mặc trang phục truyền thống, hay tập hát dân ca. Xem các em Bana ở Tây Sơn đóng khố, mặc váy thổ cẩm mạnh dạn lên sân khấu múa trước đông người, tôi thấy đây cũng là một trong những cách góp phần giáo dục cho các em về văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Tại Ngày hội, việc cách tân khi dàn dựng các tiết mục múa, hát, biểu diễn nhạc cụ, hay tái hiện lại lễ hội dân gian… đã tạo ra những nét mới. Tuy nhiên, các đại biểu, các nhà chuyên môn văn hóa còn băn khoăn, có các ý kiến đánh giá khác nhau về tính kế thừa và cách tân văn hóa truyền thống. Chẳng hạn như khi hát dân ca có cần múa minh họa không, hay kể khan mà minh họa bằng các nhân vật có thể lấn mất lời của người kể chuyện… Điều này đòi hỏi phải cẩn trọng hơn khi dàn dựng các chương trình, để không làm ảnh hưởng đến nét đẹp đặc trưng truyền thống các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã tồn tại qua thời gian.
HOÀI THU