Tiếp sức “hậu” sàng lọc trước sinh
Sàng lọc trước sinh là bước chẩn đoán quan trọng mà các bà mẹ mới mang thai cần phải thực hiện để sớm phát hiện các hiện tượng bất thường, từ đó có hướng chăm sóc, điều trị phù hợp. Tại tỉnh ta, hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn, khi số người đi xét nghiệm xác định vẫn còn rất ít.
Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò trong thời kỳ đầu mang thai để chẩn đoán, xác định bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể ở thai nhi như: hội chứng Down (tam bội thể 13), hội chứng Ewards (tam bội thể 18), hội chứng Patau (tam bội thể 16), dị tật ống thần kinh và một số dị tật bẩm sinh khác.
Thực hiện tốt hoạt động sàng lọc trước sinh sẽ góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho trẻ.
- Trong ảnh: Chăm sóc trẻ sơ sinh tại TTYT huyện An Lão.
“Giữa đường đứt gánh”
Tuy là huyện miền núi, nhưng An Lão lại là địa phương rất chú trọng triển khai hoạt động sàng lọc trước sinh. Lượng phụ nữ mang thai tham gia khám sàng lọc cao, đồng nghĩa với số trường hợp phát hiện có nguy cơ tăng lên. Trong năm 2013, toàn huyện có 19 ca qua sàng lọc cho kết quả nguy cơ thấp; năm 2014 có 31 ca nguy cơ thấp, 4 ca nguy cơ cao. Trong 5 tháng đầu năm 2015, đã phát hiện 49 ca có nguy cơ, trong đó có đến 11 ca nguy cơ cao.
Theo bà Từ Thị Hà, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão, ý thức người dân trong tham gia sàng lọc trước sinh đã được cải thiện đáng kể, giúp phát hiện nhiều trường hợp có nguy cơ mắc hội chứng Down ở thai nhi. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, rất ít người tìm đến các bệnh viện ở Huế, TP Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm xác định, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động sàng lọc trước sinh. Ngay cả một chuyên trách dân số xã cũng có nguy cơ cao, nhưng không có tiền đi khám xác định.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (28 tuổi, ở thôn 2, thị trấn An Lão) là hộ cận nghèo. 2 vợ chồng đều làm nông, kinh tế rất khó khăn. Khi biết kết quả khám sàng lọc trước sinh, thai nhi tăng nguy cơ mắc hội chứng Down, gia đình đã rất lo lắng. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ dân số địa phương, chờ thai nhi đủ 16-17 tuần tuổi, vợ chồng chị khăn gói vào TP Hồ Chí Minh làm xét nghiệm để có kết quả chính xác. Chị Thúy tâm sự: “Đây là con đầu lòng nên chúng tôi lo lắm, vợ chồng ráng gom góp cho đủ tiền vào thành phố khám thai. Cũng may là trong đó còn có người quen, mình xin ở nhờ vài hôm đi khám bệnh cho đỡ tốn. Vậy mà chuyến đi cũng hết 4 triệu rưỡi”.
Không có điều kiện như chị Thúy, chị Đinh Thị Lê (41 tuổi, ở thôn 6, xã An Trung) phải sống trong nơm nớp lo âu. Kết quả sàng lọc cũng cho thấy thai nhi tăng nguy cơ mắc hội chứng Down, nhưng xoay sở đủ cách chị vẫn không đủ tiền đi TP Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm xác định. “Nghe cán bộ dân số giải thích mình cũng hiểu cần phải đi khám nữa, nhưng nghèo quá biết làm thế nào. Nhà mình chỉ làm nông, trồng mì, kiếm đâu ra số tiền lớn để đi khám như cán bộ hướng dẫn. Chỉ mong con ra đời được khỏe mạnh”, chị Lê ngập ngừng nói.
Cần một “cơ chế” mở
Trước thực trạng đó, bà Từ Thị Hà cho rằng, dịch vụ xét nghiệm xác định sau sàng lọc trước sinh quá “xa xôi” hiện đang gây khó cho người dân tộc thiểu số, những gia đình khó khăn. “Đã đến lúc, chúng ta phải tính đến việc triển khai dịch vụ này ngay tại tỉnh ta”, bà Hà đề đạt.
“Rất xót xa!” - đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Quang khi nhắc đến những người mẹ biết con mình có nguy cơ cao mắc các dị tật mà đành bất lực, mặc cho sự rủi may. “Làm sao để người dân không đơn độc trên hành trình bảo vệ sức khỏe cho con cái là nỗi trăn trở từ lâu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp trên để tìm giải pháp cụ thể, nếu không mở được dịch vụ xét nghiệm xác định tại Bình Định thì cũng phải tính toán phương án hỗ trợ cụ thể. Không làm tới nơi tới chốn việc này thì rất lãng phí đối với hoạt động sàng lọc trước sinh”, ông Quang khẳng định.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho rằng, chất lượng dân số đang là vấn đề quan trọng, được xã hội rất quan tâm; vì thế hiệu quả của sàng lọc trước sinh cần được chú trọng hơn nữa. “Việc triển khai xét nghiệm xác định ngay tại địa phương là hết sức khó khăn. Do đó, sau khi có tham mưu cụ thể từ Chi cục DS-KHHGĐ, có thể chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn về chuyển tuyến cho người đi khám xác định tại các trung tâm y khoa lớn”, bà Nhung cho hay.
Hy vọng rằng, các đơn vị liên quan sớm triển khai các giải pháp cần thiết, để hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp có nguy cơ cao sau sàng lọc trước sinh.
MAI LÂM - MỸ HẠ