Chọn trường, ngành xét tuyển ĐH, CĐ: Cân nhắc kỹ, lựa chọn phù hợp
Việc thí sinh biết trước điểm thi của mình, lấy đó làm căn cứ để quyết định chọn trường, ngành nào để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ - bên cạnh những thuận lợi nhất định, đang khiến không ít thí sinh và phụ huynh lúng túng khi thực tế phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh (TS) được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó 1 giấy dùng để xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 và 3 giấy dùng để xét các NV bổ sung. Có tổng cộng 5 đợt xét tuyển gồm NV1 từ 1-25.8, NV bổ sung đợt 1 từ 25.8 - 15.9; đợt 2 từ 20.9-5.10; đợt 3 từ 10-25.10 và đợt 4 từ 31.10-15.11.
Thí sinh hãy cân nhắc từng lựa chọn để có thể theo học những ngành mình yêu thích.
- Trong ảnh: Học sinh lớp 12 (năm học 2014-2015) Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước).
Tưởng dễ mà khó
Đến nay, TS đã biết điểm các môn thi, tính toán được tổng điểm các môn đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tổ hợp các môn đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Bước tiếp theo là nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn ngành, trường nào phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển vào ĐH cao nhất. Thế nhưng, vài ngày nay, không ít TS và phụ huynh đã tỏ ra hoang mang.
Chị Lê Thị Ngân (Quy Nhơn) không giấu được sự lo lắng khi chia sẻ: “Nếu con thi vào năm ngoái, tôi biết chắc ngành đó có bao nhiêu TS đăng ký, trường lấy bao nhiêu chỉ tiêu, so số điểm của con sẽ biết con đỗ hay không. Năm nay tôi không thể yên tâm vì biết đâu gần đến “giờ G” có một lượng TS điểm cao hơn con tôi nộp vào khiến con bị rớt. Dù Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường ĐH cứ 3 ngày một lần công bố công khai danh sách TS đăng ký xét tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp trên website, nhưng lỡ có trục trặc về mạng hoặc sai sót trong quá trình nhập dữ liệu, đăng tải dữ liệu thì ai chịu. Phải đặt cược cơ hội của mình vào việc bám trụ hoặc rút hồ sơ nộp vào trường khác là chuyện không hề đơn giản”.
Con trai của chị Ngân có tổng điểm 3 môn thi xét tuyển vào ĐH là 21 điểm, đăng ký thi vào Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Khi chuyện trò với nhiều phụ huynh cùng cảnh ngộ, chị Ngân nhận được rất nhiều sự cảm thông.
“Các phụ huynh đều nhìn nhận phải làm sao để có thể trúng tuyển ngay NV1 là một áp lực rất lớn. Dù có nhiều cơ hội đăng ký xét tuyển hơn, nhưng qua nghiên cứu, khảo sát số liệu tuyển sinh ĐH những năm trước, cho thấy rằng, sau đợt xét tuyển NV1, các trường có danh tiếng và các ngành thu hút thí sinh giỏi thường tuyển đủ 100% chỉ tiêu; cũng đồng nghĩa với việc nếu không trúng tuyển NV1 thì cơ hội quay lại xét tuyển bằng NV bổ sung là không có. Nhìn chung, trong lần xét NV1, các trường sẽ xét khoảng 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh; số chỉ tiêu còn lại thường nằm ở các trường ĐH địa phương, trường ngoài công lập và các ngành ít thu hút TS”, chị Ngân phân tích.
Suy nghĩ kỹ, quyết định kịp thời
Sau khi công bố điểm thi, Bộ GD&ĐT thông báo sẽ công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào các trường ĐH, CĐ trước 1.8, để các trường tham khảo và đưa ra mức điểm những môn thi xét tuyển vào các ngành của trường.
Từ 1.8, các trường ĐH, CĐ sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1, kéo dài trong 25 ngày. Suốt thời gian này, TS được phép thay đổi nguyện vọng đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.
“Căn cứ kết quả thi của mình, TS cần tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp. Hiện nay một ngành chuyên môn có thể được đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất chênh lệch. TS nếu tính toán tốt, sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn theo học được ngành yêu thích của mình”, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mách nước.
Cần chọn đúng ngành học mình yêu thích cũng là điều bà Nguyễn Thị Hoàng, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT) khuyên TS thực hiện.
Nhận hồ sơ phúc khảo kết quả thi THPT Quốc gia vào đầu tuần tới
Tin từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT), đầu tuần tới Sở sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xin phúc khảo kết quả thi THPT quốc gia 2015. Theo Điều 30 Quy chế thi THPT Quốc gia được Bộ GD&ĐT ban hành, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi và nộp lệ phí phúc khảo theo quy định.
Sở GD&ĐT sẽ nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến hội đồng thi.
“Đây là thời gian thí sinh cần soát xét lại lần cuối về các ngành sẽ đăng ký, tìm hiểu, theo dõi thông tin xét tuyển được công bố công khai trên các trường. Hãy bỏ tư duy đăng ký thử, a dua theo bạn bè hoặc theo kiểu cầu may để tránh tình trạng “bị” xét tuyển vào những ngành, trường mình không thích và không phù hợp. Dù có đến 4 giấy chứng nhận kết quả thi nhưng nếu TS đã trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau”, bà Hoàng nhắc nhở.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đợt xét NV1, TS chỉ được nộp hồ sơ vào một trường với 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường này. Nếu biết bị rớt hoặc muốn thay đổi nguyện vọng, TS có thể rút hồ sơ. Song, phải đích thân thí sinh hoặc người nhà đến trường rút hồ sơ thì mới lấy được giấy báo kết quả để nộp vào trường khác. Còn các đợt xét tuyển NV bổ sung thì nhiều, nhưng vì TS có thể nộp cùng lúc 3 giấy báo kết quả thi nên số lượng hồ sơ ảo sẽ cao, cơ hội trúng tuyển của TS vào ngành nghề yêu thích sẽ là khe hẹp.
Liên quan đến những rủi ro của việc cho phép TS được thay đổi nguyện vọng, bà Hoàng cho rằng TS nên hết sức bình tĩnh và cân nhắc khi lựa ngành, chọn trường. Thời gian bắt đầu đến khi kết thúc của các đợt xét tuyển thường kéo dài từ 15-20 ngày. Cho dù có bị rớt nguyện vọng trước, TS cũng phải bình tĩnh, cân nhắc thật kỹ lưỡng ở nguyện vọng đăng ký tiếp theo.
“Sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi TS phải biết cân nhắc và linh hoạt. Tốt nhất là suy nghĩ kỹ và hành động kịp thời để chắc “thắng” ngay từ NV1”, bà Hoàng căn dặn.
NGỌC TÚ