Yoga và những điều ít người biết
Tính đến thời điểm này, yoga xuất hiện ở TP Quy Nhơn được khoảng 7 năm và đang được nhiều người theo học, luyện tập. Nhưng, để thật hiểu về yoga từ đó có phương thức tập luyện thích hợp, cân bằng trạng thái của mình thì không phải người nào cũng biết.
Năm 2009, tại TP Quy Nhơn chỉ có một nơi dạy yoga là Trung tâm chăm sóc sắc đẹp Nhất dáng nhì da, tiền thân của CLB Devi Yoga ngày nay (ở số 105F Hai Bà Trưng) với ít người tham gia. Nay thì thành phố có đến 4 - 5 nơi dạy yoga với nhiều trường phái khác nhau. Ngoài các CLB như Devi Yoga, Eva Hiếu (Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh), Hatha Yoga TP Quy Nhơn (Nhà văn hóa Lao động tỉnh) thu hút lượng học viên thường xuyên 60-200 người/tháng, còn có một, hai điểm dạy yoga nhỏ khác nữa với số học viên ít hơn một chút.
Một buổi tập yoga ngoài trời cho học viên “đổi gió” của CLB Hatha Yoga Quy Nhơn.
Tìm đến sự khỏe mạnh, thư thái
Sau hơn chục năm tập các môn thể dục như aerobic, múa bụng, gần 4 tháng nay, chị Huyền Thư (37 tuổi, nhà ở hẻm 4 đường Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn) chuyển sang tập yoga vì thích sự đổi mới. “Tôi thấy yoga có phần nhẹ nhàng hơn mấy môn thể dục khác vì sau mỗi động tác tập đều có nghỉ thư giãn, song lại đòi hỏi sự dẻo dai, tập trung và gắng sức hơn trong mỗi động tác. Thích nhất là cảm giác thư thái, tưởng như có thể nằm ngủ được ngay sau mỗi buổi tập”, chị Thư nhận xét.
Còn chị Thu Lan (55 tuổi, ở tổ 2 KV 11, phường Ngô Mây) mới đến đăng ký tập yoga tại CLB Devi Yoga, lại chia sẻ băn khoăn: “Tôi mới tập buổi đầu tiên, chưa biết hiệu quả dài lâu như thế nào. Tôi bị cứng cơ, xương mấy năm rồi nhưng lần lữa không tập tành gì. Vừa rồi tôi đi khám thì bác sĩ khuyên nên tập yoga để tăng cường sự dẻo dai cho hệ cơ, xương khớp”.
Hiện nay, đối tượng tập yoga đa phần là nữ giới, trong đó độ tuổi từ 30 đến 70 chiếm phần lớn; nam giới cũng có nhưng rất ít. Mục đích tập cũng rất khác nhau, từ giảm cân, giữ vóc dáng, giảm đau nhức xương khớp, chữa mất ngủ, đến giảm stress, căng thẳng trong công việc.
Sau gần một năm tập luyện ở CLB Hatha Yoga Quy Nhơn, bà Nguyễn Thị Hường (55 tuổi, nhà ở phường Đống Đa, Quy Nhơn) cho hay, bà không còn mất ngủ như trước nữa, da dẻ cũng có phần đẹp hơn. Dẫu cho rằng tập yoga giống như bị “hành xác” vì phải căng người, uốn vặn các tư thế, nhưng sáng nào ông Nguyễn Văn Tứ (gần 60 tuổi), cũng đều đặn cùng vợ đến tập tại CLB Devi Yoga vì “không muốn sau này xương khớp cứng lại, đi đứng khó khăn”.
Yoga: từ hiểu đúng đến tập đúng
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, chủ nhiệm kiêm huấn luyện viên CLB Devi Yoga cho biết, cần hiểu đúng về yoga để tập cho đúng, phát huy hiệu quả tối đa của yoga. Chị nhấn mạnh: “Người đến phòng tập yoga mà chỉ chăm chăm vào giảm cân, xem vòng eo xuống được mấy phân là chưa lĩnh hội được hết tinh thần của yoga. Tập yoga là để khỏe bên trong, khỏe cơ quan nội tạng, thanh lọc cơ thể nhằm khỏe thân, tâm và trí, hướng đến mục đích cuối cùng là bình an tâm trí. Tập không đúng cách có thể gây nên chấn thương hoặc không hiệu quả, thậm chí tác dụng ngược, nhất là hít thở không đúng sẽ làm rối loạn bên trong, thậm chí gây nên hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma”. Cũng vì lý do này mà mới đây, chị mở thêm lớp yoga nền tảng, chuyên dạy chuyên sâu về lý thuyết và thực hành đúng các tư thế căn bản.
Còn anh Hà Văn Huy, chủ nhiệm kiêm huấn luyện viên CLB Hatha Yoga Quy Nhơn, lại cho rằng tập yoga khó nhất là khâu tập hít thở bằng bụng. Khi hít vào oxy phải đưa hết xuống đáy phổi, buộc cơ hoành hạ thấp làm phình bụng, khi thở ra bụng thóp lại. Việc này sẽ giúp không khí nạp đầy phổi, giúp phế nang làm việc hiệu quả, cung cấp đầy đủ oxy giúp các cơ quan hoạt động, không để xảy ra tình trạng nợ oxy gây ra hiện tượng xây xẩm, hoa mắt, chóng mặt. “Chuyện này tưởng dễ nhưng ít người để ý và thực hành theo cho đúng”, anh Huy nhận xét. Việc này được chị Phan Thị Thanh D. (46 tuổi, nhà đường Tô Hiến Thành, Quy Nhơn), đã tập yoga được 2 năm, xác nhận: “Tôi tập yoga lâu như vậy nhưng có biết hít thở bằng bụng đâu, mới đây, nhờ bạn bè chỉ tôi mới biết”.
Theo bác sĩ Trần Như Bửu Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phong và da liễu Trung ương Quy Hòa, đối với người già, phụ nữ mãn kinh, tập yoga rất có lợi cho hệ cơ - xương- khớp vì sẽ tăng thêm độ dẻo dai, linh hoạt, giảm nguy cơ loãng xương, gãy chân, tay, nhưng khi tập nên thận trọng, tránh các tư thế vận động quá sức của mình. Đặc biệt, các tư thế ngồi bán già, kiết già hay quỳ gối lâu sẽ không tốt cho người bị bệnh đau khớp gối.
THU HÀ