Mẹ
Truyện ngắn của Tùy Phong
Tuổi thơ của con là những lần tiễn mẹ đi làm xa. Đêm trước ngày mẹ đi, con nằng nặc đòi ngủ chung đặng được ôm mẹ, được ngửi hơi của mẹ, nước mắt con chảy trên gối dài chỉ mong giữ mẹ ở lại. Mẹ cũng chẳng nỡ xa con nhưng nếu ở lại thì tương lai của con cũng sẽ giống mẹ…
Năm lên lớp 2, ba tôi làm ăn thua lỗ, ông trái tính trái nết, triền miên chìm vào những cơn say. Một tháng ba mươi ngày là có đến hăm chín ngày ông có mặt bên bàn nhậu. Ngôi nhà xập xệ, lạnh lẽo luôn thiếu vắng hình bóng của ba. Trời tháng Mười mưa tầm tã, chập choạng tối, mấy mẹ con xúm xít bên bữa cơm chỉ có đĩa rau lang luộc, chén mắm và nồi cơm độn đầy khoai lang. Mẹ ăn thật chậm để dành phần cho hai chị em tôi, đến khi chúng tôi bỏ đũa đứng dậy thì lúc đấy mẹ mới ăn những gì con sót trong mâm. Mẹ chưa có được một bữa no, dù là bữa cơm độn. Mẹ nói rằng: “Đói, khổ sao mẹ cũng chịu, miễn ba mầy đừng có đi uống rượu nữa là được!”.
Nửa đêm, mọi người trong xóm thức giấc bởi tiếng chó sủa vang khắp, cùng với tiếng chửi, càng gần càng nghe rõ tiếng bước chân chệnh choạng tiến về phía nhà tôi. Ba mẹ con chúng tôi nín thở, mở mắt nhìn lên trần nhà đen kịt, ai cũng biết “Ba lại say!”. Vừa vào tới sân ông đã sẵng giọng:
- Mẹ con Kim đâu, ra đây tao biểu?
Mẹ thở dài, lấy chăn đắp lên cho tôi rồi lồm cồm ngồi dậy bước ra khỏi giường. Chưa kịp nhắc tấm ván mở cửa.. Ầm, ầm, ầm... tấm ván ghép để làm cửa đổ rầm xuống nền đất như tiếng sét những chiều trời có giông.
- Tao kêu nãy giờ sao mầy còn ở trong đó ngủ? Tiên sư mầy khinh ông à ? Đồ mất dạy.
Nói rồi ông đạp liên tiếp vào tấm ván cửa cho đến khi nghe tiếng răng rắc, ông đánh “bốp” vào mặt mẹ. Nằm trong chăn, tim tôi đập mạnh, lúc đó tôi chỉ ước ba lên giường và đi ngủ cho yên nhà cửa. Tôi sẽ cắn lưỡi chết cho ba hả dạ. Ba từng bảo với mẹ tôi rằng từ khi sinh tôi ra gia đình không làm ăn gì được, chướng khí của tôi quá nặng ám hết con đường lợi danh của ba. Lần làm ăn thua lỗ này cũng do tôi mà ra. Đó là lí do trong những cơn say ông liên tục chửi mẹ “không biết đẻ, đồ đàn bà mất nết”. Mẹ thương tôi, mẹ luôn che chở trước những trận đòn nhừ tử của ba. Đêm nay cũng thế…
Ba xuống bếp, hất tung mâm cơm mẹ dọn sẵn ra ngoài sân, nồi niêu chén đũa lần lượt bay tứ tung khắp nhà. Vừa đập, ông vừa hăm dọa:
- Thằng nào? Con nào dám đụng đến tao, tao giết hết... Mầy là đứa không biết đẻ, đồ ăn hại, mẹ con mầy đi đi, đi khỏi nhà tao ngay,…Tao có nói mầy đẻ ra con gái không? Mầy đẻ thằng con trai út thì giờ tao đâu phải khổ sở như thế này? Thầy bói nói rồi mầy không vểnh tai nghe hay sao? Phải là con trai mới hạp với tuổi tao? Chướng khí! Đi, đi,…cút hết,…..
Vừa chửi, ông vừa cầm lên khúc gỗ to tướng, lăm le đến giường mẹ con tôi. Mẹ vội kéo mền, ôm tôi, tay dắt chị chạy đi trong đêm mưa… Cách nhà tôi khoảng nửa cây số có một ngôi nhà hoang, đó là nơi mẹ con tôi thường đến trong những đêm như vậy. Ngồi úm hai chị em vào lòng, mẹ thì thầm: “Ngủ đi con, mai mình về nhà. Ba say nên vậy thôi”.
Mẹ không sợ ba, da thịt mẹ đã cứng đần với những trận đòn roi ba đánh, vết bầm khắp người cũng không khiến mẹ đau đớn nữa, nỗi đau ấy đã chai sạn không thể nói thành lời. Mẹ im lặng. Im lặng cho đến một hôm ba vác dao rượt đuổi mẹ trong đêm, ông đã chém lìa bàn tay trái của mẹ mà không một chút run tay. Mẹ khăn gói rời miền Trung nắng gió vào Nam để mưu sinh, để quên đi cuộc hôn nhân quá nhiều cay đắng…
Tuổi thơ tôi là những ngày ngóng mẹ mỏi mòn, hễ cứ nghe có tiếng xe nổ ngoài ngõ chạy vào là dù đang làm dở việc gì tôi cũng đều chạy ra với niềm vui tột độ, mặc dù chỉ đúng được vài lần trong ngàn lần: “Mẹ về!”.
Mỗi lần về, mẹ đều mua quà bánh, mua quần áo mới cho chị em tôi. Xúng xính những bộ quần áo mới, ăn những viên kẹo ngọt cay nơi xứ người, tôi hớn hở khoe hết đầu trên tới xóm dưới. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì mẹ lại khăn gói ra đi. Tôi rất sợ:
- Đừng đi nữa nghen mẹ, con chỉ cần mẹ ở nhà với con thôi, con nhịn đói cũng được!
- Con ngoan, ở nhà ráng nghe lời bà ngoại, học cho giỏi, mẹ đi rồi mẹ về với con. Nín đi con!
- Mẹ đi lần này nữa thôi nha mẹ. Mẹ đi nhanh rồi về liền nha mẹ!
- Ừ, ngủ đi con kẻo trời sáng…
Tôi dặn lòng sẽ không ngủ, bởi khoảng trống vắng mẹ đã để lại trong tâm hồn non nớt của tôi một nỗi đau quá lớn, tôi không muốn xa mẹ, tôi chỉ muốn bên mẹ từng phút giây có thể. Vì tôi biết, khi trời sáng, lúc tôi tỉnh dậy thì mẹ đã đi, vì mẹ không đành lòng dứt áo khi tôi cứ ôm mẹ mà khóc tức tưởi lúc tiễn mẹ như những lần trước, mẹ đợi tôi say giấc rồi rón rén ra khỏi nhà khi mặt trời chưa lên…
Chị em tôi bấu víu vào nhau mà sống, mà tồn tại như loài cỏ dại. Hơn chục năm sau, mẹ trở về quê lập nghiệp với một số vốn ít ỏi dành dụm từ nghề bán vé số nơi đất lạ xứ người. Biết tin tôi đậu đại học, sau tiếng cười là tiếng thở dài mẹ cố giấu mỗi đêm. Cầm năm ngón tay gầy gò của mẹ lúc tiễn tôi lên đường vào Nam xa xôi nhập học, cả trăm lời dặn liên tục nhắc đi nhắc lại, tôi nuốt ngược nước mắt:
- Con đi học rồi con về chứ có đi luôn đâu mà! Con tự lập được, mẹ đừng lo nhé!
Nhìn vào gương chiếu hậu lúc xe lăn bánh, bóng mẹ còm cõi đứng ngóng theo, tôi thấy mẹ đưa tay quẹt ngang dòng lệ đang lã chã rơi, lòng tôi đau như cắt…
Ngày mẹ tiễn chị gái về nhà chồng ở tận miền Tây, sụt sùi khóc, mẹ ôm tôi bảo:
- Lấy chồng ở gần nhà mình nha con!
Tôi mỉm cười:
- Mẹ lo chuyện đó sớm quá, con chỉ mới sinh viên năm 2 thôi mà.
Thoáng chốc, điều mẹ lo sợ cũng đến. Tôi gặp và kết hôn với anh chàng nước ngoài. Dù nặng lòng nhưng mẹ vẫn không phản đối quyết định của tôi. Trong ngày cưới, mẹ cũng đã khóc như một đứa trẻ, mẹ khóc vì hạnh phúc, khóc cho những mất mát, khổ đau đã trải qua, khóc vì những hi sinh của mẹ đã được bù đắp. Cuộc sống quay cuồng với tất bật nỗi lo toan khiến tôi không còn thời gian nhớ đến mẹ. Cho đến khi nhận được tin mẹ cấp cứu ở bệnh viện vì đột qụy thì tôi mới sửng sốt. Bác sĩ thông báo cú đột qụy để lại di chứng nặng nề - mẹ không thể nói được nữa.
Nắm tay mẹ, đôi bàn tay ngày nào nuôi chị em tôi lớn khôn giờ đã nhăn nheo, khô ráp. Vết thương nơi bàn tay trái ngày nào đã để lại vết sẹo to tướng, tôi hôn mẹ, hôn lên vết sẹo ấy. Nước mắt mẹ chảy dài, môi mẹ mấp máy muốn nói nhưng không thành lời, vuốt nhẹ tóc tôi, mẹ móm mém cười. Gục đầu vào lòng mẹ, tôi chợt cảm thấy sợ hãi, hoang mang hơn bất cứ lúc nào. Tôi sợ khi nghĩ đến một ngày không xa, mẹ bỏ chị em tôi ra đi…“Mẹ là vòng tay, ẵm bồng con qua những ngày đông/Mẹ là dòng sông để con tắm mát trưa hè/Mẹ là rặng tre che bóng con đi học về/Mẹ là bờ đê, để con vui với cánh diều…”.
T.P