TẠP BÚT:
Mở ra trang sách cuộc đời
Ngẩn ngơ nhìn những chiếc lá bàng rơi, nó hết dụi mắt rồi lại vân vê tà áo… “Đi hay không đi?”, cái câu hỏi mà nó chợt buột miệng lên hỏi chính mình. Giằng co mãi mà nó vẫn chưa có được lời đáp cho bản thân, và cho cả con bạn thân đang ngồi cạnh loay hoay mãi với cái bản đăng ký. Nó đã xem đi xem lại không biết bao lần cái tờ giấy đó, và nó nghĩ có lẽ chỉ một tí nữa tờ giấy sẽ rách vì sự nghiên cứu quá ư là tỉ mỉ của con bạn. Sự háo hức của nhỏ bạn chỉ làm cho nó thêm phân vân và khó xử.
Nếu nó quyết định đăng ký tham gia, cái viễn cảnh của cuộc sống sắp tới đã vẽ ra trước mắt. Những ngày nắng gắt bỏng rát da trên những con đường rừng dốc đứng, cheo leo, gai góc. Đủ loại những côn trùng đáng ghét bu lấy và chích đốt thành những dấu vết chi chít trên da. Nơi đó sẽ là một bản làng nhỏ nằm tít sâu trong núi, là cuộc sống không ánh điện, không thịt cá, không điện thoại, và kể cả sinh hoạt vệ sinh cá nhân cũng là một cực hình. Nó khẽ rùng mình cho sự khó khăn của một lựa chọn. Nếu đi theo hướng ngược lại, không tham gia đợt tình nguyện hè này, nó sẽ sắp xếp hành lý trở về cùng gia đình, tận hưởng một kỳ nghỉ hè trong êm ấm như mọi khi.
Một tháng, quãng thời gian không dài nhưng cũng chẳng là ngắn với đứa con gái lần đầu xa nhà, đi làm tình nguyện viên ở một vùng sâu vùng xa như nó. Những lúc phơi mình dưới cái nắng gắt của ngày hè để đào mương vét cống, hay gặt lúa phơi rơm cũng không làm khó được nó. Dẫu cũng có đôi lần nó ứa nước mắt vì sự bỏng rát, vì lưỡi câu liêm cứa vào tay hay khói bếp cay sè mắt. Niềm vui của những công việc lao động có ích, sự chân tình của đồng bào nơi vùng quê đã làm nó quên đi bao mệt nhọc, nặng nề của công việc. Thêm vào đó, cuộc sống tập thể đã cho nó học hỏi được rất nhiều điều về cách ứng xử, cách sống hòa đồng, cách để nó hiểu được người khác không chỉ bằng ngôn ngữ.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”… Bàn tay nó chai sạn đi để đổi lại những suy nghĩ chín chắn hơn, sự trưởng thành trong cách sống mà bao năm vùi đầu vào sách vở trên giảng đường nó chẳng thể có được. Nó không hối tiếc khi đã chọn lựa chuyến đi đó, cho dù sau đó con bạn đã thú nhận những lời nói khích lúc ấy chỉ là muốn “gài bẫy” nó mà thôi. Nhưng giờ nó vui khi đã “sập bẫy”, vì nhờ “cái bẫy” đó mà nó đã biết tạm “khép sách vở lại”, để mở ra một trang sách cuộc đời: Học hỏi và trải nghiệm cuộc sống muôn màu, tận hưởng niềm vui của yêu thương và cảm nhận hết tuổi trẻ đáng sống của mình.
THÂN THỊ HỒNG KIỀU
(ĐH Quy Nhơn)