“Vạn sự khởi đầu nan”!
Cách nay gần một năm, lô cá ngừ đại dương đầu tiên của ngư dân Bình Định đã lên máy bay vượt đại dương góp mặt tại thị trường Nhật Bản. Đầu năm nay cũng đã có thêm một chuyến tương tự. Đây là các dấu mốc khởi đầu mở ra hy vọng cho nghề khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân các tỉnh ven biển Trung bộ, trong đó có Bình Định.
Để có được hai lô cá ngừ đại dương xuất khẩu sang Nhật - thị trường rất khắt khe về chất lượng đối với các sản phẩm nhập khẩu, các đối tác Nhật Bản đã cử chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản cho đối tác và các ngư dân Bình Định. Sau khi có hai lô hàng xuất khẩu đầu tiên, Bình Định tiếp tục chương trình hợp tác với Nhật Bản để phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ngư dân khai thác cá ngừ đại dương đã được hỗ trợ về dụng cụ, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình đánh bắt theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cũng tổ chức triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Mới đây (21.7), tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi liên kết tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, các mô hình Thí điểm chuỗi liên kết của 3 tỉnh đã được xây dựng và đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Tại Bình Định, tỉnh đã triển khai chuỗi liên kết giữa Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định với 5 tàu khai thác cá ngừ đại dương. Doanh nghiệp này trang bị cho ngư dân thiết bị khai thác, được đào tạo kỹ thuật đưa cá lên tàu, sơ chế, bảo quản và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Còn tỉnh Phú Yên, tuy đã thành lập chuỗi liên kết nhưng do ngư dân chưa vay được vốn lưu động cho chuyến biển và vay trang bị phương tiện khai thác cá ngừ theo Nghị định 67 nên vẫn lệ thuộc vào các chủ nậu, vựa thu mua, do đó ngư dân tham gia vào chuỗi liên kết nhưng phải bán cá cho các chủ nậu, vựa.
Các khó khăn, vướng mắc hiện nay là các tàu đóng mới bằng vỏ thép và vật liệu mới chỉ cải tiến bước đầu về hầm bảo quản, chưa đổi mới về công nghệ khai thác và bảo quản. Các nghiên cứu về nâng cao chất lượng cá ngừ bằng nghề câu tay, về tổ chức mô hình dịch vụ hậu cần chậm triển khai vào thực tiễn. Công nghệ dự báo ngư trường còn lạc hậu, không kịp thời, thiếu kiểm chứng làm ngư dân chưa tin tưởng và sử dụng kết quả dự báo trong khai thác. Chính sách tín dụng ngắn hạn theo Nghị định 67 chưa thật sự được quan tâm đúng mức nên nhiều ngư dân vẫn còn bị các đầu nậu, vựa thu mua cá chi phối…
Vì vậy, để tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án trong thời gian tới, các tỉnh cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là từng địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các chuỗi liên kết khác tại tỉnh mình. UBND các tỉnh cần làm việc lại với ngân hàng, doanh nghiệp và ngư dân để tháo gỡ vướng mắc về vay vốn lưu động cho chuyến biển và vay trang bị phương tiện khai thác cá ngừ theo Nghị định 67. Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp và ngư dân trong việc chuyển giao công nghệ mới về khai thác, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến cá ngừ; hoàn thiện phê duyệt trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa và các dự án cảng cá ngừ chuyên dụng tại Bình Định và Phú Yên…
Tục ngữ có câu “vạn sự khởi đầu nan”. Hy vọng với việc tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới mô hình liên kết theo chuỗi sẽ tạo động lực để cá ngừ đại dương Bình Định tiếp tục vượt đại dương đến Nhật Bản và các thị trường khác trên thế giới với giá trị và hiệu quả cao hơn.
HẢI ĐĂNG