Kỷ niệm như những áng mây trôi…
Tôi gặp ông lần đầu trong buổi gặp mặt cán bộ y tế kháng chiến chiều 25.4.2015. Mái tóc lơ thơ và cặp chân mày rậm rạp đều trắng phau. Ðằng sau cặp kính lão là đôi mắt thẳm buồn, khi ông nhắc lại chuyện cũ người xưa, về những năm tháng không thể quên, về những đồng đội đã nằm lại suốt dặm dài cuộc chiến.
Ba mẹ đặt tên cho ông là Trà Thâm. Cái tên đó theo ông cho đến năm 1962, trước khi từ Hà Nội vào Nam nhận nhiệm vụ, ông được tổ chức đổi tên thành Hoàng Tâm. Cái tên mới này bảo vệ cho gia đình ông ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ khỏi những cặp mắt diều hâu của bọn ác ôn, giữ cho họ được an toàn suốt những năm ông bôn ba lên rừng xuống biển.
“Sợ nhất lòng không còn thanh thản”
“Cuộc đời tôi gắn với chiến tranh, tuổi trẻ của tôi sống trong bom đạn, luôn đối mặt với lằn ranh sinh tử. Nhưng, sợ nhất là trong lòng không còn cảm thấy thanh thản. Trong chiến tranh lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, lòng đi một hướng thanh thản”, dưới mái nhà mình, ông mở đầu câu chuyện như thế. Nói với tôi, mà cứ như tâm sự với chính mình vậy.
Nói đoạn, ông bấm đốt tay, đôi mắt xa xăm hồi tưởng.
Năm 1947, đang là du kích xã Mỹ Tài, ông được cử đi học y tá ở An Nhơn, học xong thì được điều động làm y tá trưởng cho xí nghiệp in tín phiếu của Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu V. Năm 1952, ông cùng 9 đảng viên thông thạo tiếng Pháp khác đi bộ ra Việt Bắc học bác sĩ. Ngày đi đêm nghỉ, mất 4 tháng rưỡi ròng rã, đoàn tới nơi, còn lại 9 người. Năm 1954, ông tham gia đoàn y tế do GS Tôn Thất Tùng dẫn đầu phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi về tiếp quản Thủ đô. 1 năm sau, ông tốt nghiệp, được phân công về Bộ Y tế, làm cán bộ Vụ phòng bệnh.
Năm 1962, bác sĩ Hoàng Tâm được điều động vào Nam, lần lượt làm Trưởng ban Dân y của Kon Tum, Quảng Đà, Quảng Nam, Bình Định; Trưởng Ty Y tế Bình Định, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghĩa Bình. Năm 1989, ông nghỉ hưu, về phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) làm Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, rồi Chủ tịch Mặt trận, Bí thư chi bộ khu phố… Đến năm ngoái, khi đã 87 tuổi, ông mới thật sự không nắm giữ một chức trách nào, người nhà ông nói vui - đôi chân ưa đi của ông già giờ mới hoàn toàn ngưng nghỉ.
“Ngẫm lại cuộc đời hoạt động của mình, khi nào bác thấy mình hữu ích nhất?”, tôi hỏi. Sau hồi lâu đăm chiêu, ông chậm rãi buông từng tiếng: “Vai mang súng, vai mang túi thuốc, chẳng nhớ nổi mình đã tham gia bao trận chiến. Tôi vẫn nghĩ, mình làm được việc nhất khi là Trưởng ban Dân y Bình Định, giai đoạn 1968-1975. Hồi ấy, chúng tôi làm được nhiều việc hệ trọng”.
Rồi ông kể, thuốc thang vận chuyển từ miền Bắc vào rất khó khăn, thiếu thốn, nhiều khi bị phục kích mất cả người lẫn thuốc. Ông phải tính đến phương án sản xuất thuốc tại chỗ. Năm 1969, cơ sở pha chế thuốc có mật danh Y30 được thành lập dưới hầm ở Kon Trú (Vĩnh Thạnh). Thuốc pha xong rồi lấy gì đựng? Vỏ pinicillin dùng lại chẳng mấy chốc cũng hết. Ông nảy ra sáng kiến mua giấy kính cắt dán thành ống gồm 3 lớp: lớp trong cùng đựng thuốc, lớp giữa ghi nhãn, lớp ngoài bảo vệ; lấy hàn xì thợ bạc hay dùng để đóng gói. Cách làm này tiện lợi, ống không bể khi vận chuyển”.
Nhưng lại mất thời gian. Vậy là phải tiếp tục cải tiến. Xưởng thủy tinh (mật danh K36) được thành lập cũng tại Kon Trú. Đất chịu lửa được cấp chỉ có 15kg, phải tận dụng nguồn cát trắng dồi dào ở Hoài Hảo (Hoài Nhơn), cùng bột ché (nghiền từ các ché rượu cũ xin của đồng bào). Qua 50 ngày đêm ròng rã với 4 lần thử nghiệm, ngày 1.4.1972, mẻ thủy tinh thành công hoàn toàn đã xuất lò trong niềm vui vô bờ.
“Thành công ấy không đơn thuần về kỹ thuật mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn. Bởi, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở vùng giải phóng thấy ống thuốc đóng ống thủy tinh, dán nhãn do Xưởng dược tỉnh Bình Định sản xuất, hình thức không thua kém ống thuốc tiêm của Sài Gòn, họ tự hào biết mấy. Đồng bào ta ở trong vùng địch và cả ngụy quân, ngụy quyền càng thấy rõ sự lớn mạnh của cách mạng”, vị thủ lĩnh của Ban Dân y Bình Định tâm đắc.
“Cứ 4 người thì có 1 người hy sinh”
Trong tập giấy tờ cá nhân của bác sĩ Hoàng Tâm có một tập tài liệu rất đặc biệt. Đó là 11 trang giấy in trang trọng thông tin cá nhân của 470 liệt sĩ ngành Y tế Bình Định trong suốt 21 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Toàn ngành có 1.968 người phục vụ trên khắp chiến trường Bình Định. Vậy ra, cứ 4 người thì có 1 người hy sinh”, giọng ông như lạc đi. Nói về sự khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh cao cả của những người lính mặc áo blouse, chẳng gì hơn những con số. Khô khốc. Lạnh lùng. Mà sao nhói buốt.
Rồi, ký ức như cuốn phim quay chậm kéo về, chừng như người lính chưa hề bước ra khỏi cuộc chiến. Ông bảo, nhớ nhiều nhất là dược sĩ Trần Thị Trang, quê ở Tây Sơn, là phó xưởng Y30. Ngày 5.7.1970, máy bay địch đánh phá xưởng, hầu hết anh em chạy thoát, riêng Trang hy sinh tại chỗ. “Năm ấy, cô mới 24 tuổi, vừa chân ướt chân ráo từ Bắc về, một cô gái đẹp người ngoan nết, là cây sáng kiến cải tiến của đơn vị. Vậy mà…”, ông thở dài.
Trước đó, tháng 12.1966, địch càn qua Bệnh xá tỉnh (lúc này đóng ở hang đá Suối Cát, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát). Bệnh xá đã chuyển hơn 70 thương binh và phần lớn tài sản về hậu cứ. Lúc mọi người trở xuống chuyển tiếp 12 thương binh nặng bị gãy xương, thì địch ào tới, trực thăng đổ quân chiếm các điểm cao xung quanh. Hơn chục cán bộ nhân viên và 12 thương binh bị kẹt trong vòng vây, trong đó có cháu bé 6 tháng tuổi của y tá Nguyễn Thị Hương. Con khóc, sợ lộ nơi ẩn nấp sẽ gây tổn thất cho cả đơn vị, chị Hương đã áp chặt vú vào miệng con, đứa trẻ đã chết ngạt.
“Đau xót hơn, đến cuối năm 1968, trong lần tham gia vận chuyển bộ đại phẫu của Bệnh xá tỉnh, chị Hương cũng đã anh dũng hy sinh. Nhận được tin dữ ấy mà tai cứ ù đi”, giọng ông run run.
Và, chính ông cũng đã bao lần đổ máu, là thương binh 3/4. Năm 1964, khi đang là Trưởng ban Dân y Quảng Đà, ông đi dự một cuộc họp bí mật ở huyện Hòa Vang. Được gián điệp chỉ điểm, 3 máy bay thả bom của Mỹ phá nát cả ngọn núi nơi diễn ra cuộc họp. Sau đó, trực thăng liên tục quần đảo, không cho quân ta lên ứng cứu. Cứ thế, từ 14 giờ đến 17 giờ, 30 người dự họp chỉ còn mình ông sống sót, văng vào hố bom, bất tỉnh. Mảnh bom xuyên thủng đùi trái, mẻ xương, đứt gân, đứt mạch máu. Mất 2 năm sau, ông mới đi lại bình thường được.
Như những áng mây…
Và, con gái ông cũng là liệt sĩ. Đó là cô con gái giữa Trà Thị Điểu, là y tá của Huyện đội Vĩnh Thạnh, hy sinh năm 1972 khi tham gia chiến đấu. Con gái đầu Trà Thị Xuân Mai là dược sĩ đã nghỉ hưu. Con gái út Trà Thị Thanh Bình (đặt tên sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973) hiện là nữ hộ sinh của BVĐK tỉnh. Chưa hết, người mẹ cũng làm trong ngành Y. Sau 3 lần bị địch giam cầm do làm cơ sở cách mạng, bà Trần Thị Nhạn rời Mỹ Tài lên Kon Trú làm nhân viên phân phối thuốc của cửa hàng dược chiến khu (bí danh Y20).
Người con gái của ông hy sinh khi mới 20 tuổi. Ngoài ngày giỗ vào 11.9 âm lịch, cứ đến ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, ông bà lại thắp hương lên bàn thờ. Tưởng nhớ con, cũng là để nhớ những đồng đội đã ngã xuống, nhiều người chỉ mới đôi mươi.
Kỷ niệm về họ như những áng mây. Những áng mây có khi bất chợt, có khi dai dẳng che đi những cơn nắng nồng nực, mang đến những hạt mưa mát lành. Cứ thế vỗ về, nhắc nhớ, rằng 2 chữ THANH BÌNH của hôm nay quý giá vô ngần…
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Tâm được trao Huân chương Ðộc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Ông là thành viên của Ban chỉ đạo và Tổ biên soạn sách “Y tế Bình Ðịnh 30 năm kháng chiến 1945-1975”, về cái thời “Mưa bom bão đạn lòng thanh thản/ Lạt muối thiếu cơm miệng vẫn cười”. Với quyển sách giữ cho riêng mình, ngay trang đầu vốn chẳng in gì, ông nghiêm ngắn viết lên đó bài “Lòng yêu nước”. Tôi cứ nghe những cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, khi đọc đến những dòng chữ ông chép lại của nhà văn Chu Lai: “Các thế hệ đều có chung một hạt kim cương ủ ấm trong lồng ngực là lòng tự trọng. Nếu tới đây có một ai đó, một thế lực nào đó động chạm đến bàn thờ tổ tiên, xúc phạm đến phẩm hạnh dân tộc, thì tôi tin rằng, thế hệ hôm nay tưởng chừng như chỉ biết hưởng thụ cũng sẽ mở những cuộc hành binh ra trận đẹp và oai hùng như cha anh thuở trước để giữ được lòng tự trọng giống nòi”.
NGUYỄN VĂN TRANG