Cần giám khảo đúng chuyên môn
Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh (tổ chức 2 năm một lần), là dịp để đánh giá về công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống ở các địa phương. Muốn có sự đánh giá khách quan và chính xác, thì thành phần giữ vai trò “cầm cân nảy mực” trong Ngày hội phải ít nhiều am hiểu lĩnh vực này. Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII - 2015 vừa diễn ra, một số đoàn đã “lời ra tiếng vào” về ban giám khảo, rất ít người hiểu biết sâu về các nội dung thi.
Phần lớn giám khảo không hiểu nội dung các bài dân ca chỉ hát bằng tiếng của người dân tộc thiểu số, cũng như đánh giá được việc tái hiện lễ hội dân gian một cách rút gọn như các địa phương đã làm trong Ngày hội đã đúng và giới thiệu được nét đặc sắc chưa? Cách khai thác âm nhạc truyền thống trong chương trình văn nghệ của mỗi đoàn có điểm tích cực hay hạn chế như thế nào…
Hạn chế trên cần được lưu tâm để khi tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ có quy mô lớn của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, khi mời ban giám khảo cần có sự “cơ cấu” hợp lí hơn về thành phần với sự tham gia của các nghệ nhân giỏi người đồng bào dân tộc, các nhà nghiên cứu về văn nghệ đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc những cán bộ văn hóa có uy tín, sâu sát thực tế đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện.
Thiếu giám khảo “đúng chuyên môn” cũng là tình trạng phổ biến chung ở nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trên địa bàn tỉnh những năm qua. Bởi, thành phần ban giám khảo thường được xây dựng cho “đủ ban bệ” là chính. Có những giám khảo đang làm việc trong ngành không liên quan hoặc ít có hiểu biết lĩnh vực chấm thi, dẫn đến chuyện chấm điểm theo “cảm tính”. Theo dõi nhiều hoạt động thi tài văn hóa văn nghệ ở cấp huyện, tỉnh, mới thấy việc mời ban giám khảo chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc chấm điểm khó chính xác như yêu cầu đặt ra. Chấm thi hát, múa mà trong thành phần ban giám khảo chỉ có một người, hoặc thậm chí không có ai là nhạc sĩ, biên đạo múa, những người có kiến thức về âm nhạc… dẫn đến trao giải “chưa đúng” cho các tiết mục. Tiết mục phô trương tốn kém nhưng chất lượng nghệ thuật thấp lại được giải cao, hay thí sinh có chất giọng và kỹ thuật thanh nhạc tốt lại giải thấp…
Khi tổng kết các hội thi, hội diễn, do có ít giám khảo có trình độ chuyên sâu để phân tích sâu về các tiết mục, chương trình, nên phần đánh giá thường chỉ chung chung. Từ đó, chưa có sự góp ý, định hướng mang tính “gạn đục khơi trong” để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh.
Mai Thư