Bảo hiểm y tế học sinh: Nỗ lực trước thềm năm học mới
Sảy một ly…
Câu chuyện đau lòng của gia đình chị Trần Thị Thỏa (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) khiến ai biết đến đều ngậm ngùi thương tiếc. Sau một tai nạn giao thông, chồng chị ra đi vĩnh viễn, con gái lên 12 tuổi bị chấn thương sọ não nặng. Trong nỗi buồn khôn xiết, chị lại thêm một gánh nặng không hề nhẹ khi con gái Nguyễn Phương Thảo không có thẻ BHYT và mọi chi phí điều trị, gia đình phải chịu toàn bộ mà không được sự san sẻ của bảo hiểm xã hội (BHXH). Chị Thỏa cho biết, mọi năm đều mua thẻ BHYT cho con theo trường học, tuy nhiên, gia đình chị nhiều năm thuộc diện hộ nghèo nên cũng được hỗ trợ BHYT theo chính sách xã hội. Vậy là nhiều năm cháu Thảo có đến hai thẻ BHYT. Năm học 2014-2015, chị Thỏa nghĩ để đỡ lãng phí một khoản tiền (298.000 đồng) mà đối với người nông dân nghèo như gia đình chị rất quý, chị đã không mua BHYT theo trường học cho cháu mà chờ thẻ BHYT được cấp theo hộ nghèo. Éo le thay, gia đình chị Thỏa được bầu chọn thoát nghèo và tấm thẻ BHYT miễn phí đã không được cấp cho cháu.
Để cứu chữa cho con gái, ngày lại ngày chị Thỏa vẫn tiếp tục vay mượn tiền lo thuốc men, chả mấy chốc, số nợ đã lên tới hơn 200 triệu đồng.
Từ câu chuyện của cháu Thảo, người dân trong vùng ai nấy đều xem đó là một kinh nghiệm để luôn nhớ tới việc mua BHYT cho con em mình một cách đầy đủ. Dẫu không ai mong điều chẳng lành xảy đến, song mua BHYT vừa là một giải pháp phòng hộ cần thiết, vừa là trách nhiệm đối với con em mình cũng như với xã hội.
Kinh nghiệm thành công
Không chỉ trường hợp ở huyện Ba Vì nói trên, chừng chục năm trở về trước, trên địa bàn huyện Ứng Hòa cũng có những trường hợp gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ vì lỡ không mua BHYT học sinh cho con khi không may con mắc bệnh hiểm nghèo… Song, chừng 5 năm trở lại đây, những câu chuyện buồn đã không còn lặp lại.
Bà Lê Thị Minh Ngát, Giám đốc BHXH Ứng Hòa khẳng định, để từng bước tăng tỷ lệ học sinh tham gia BHYT như vậy là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong huyện. Đặc biệt, từ khi BHYT trở thành một chỉ tiêu thi đua của các nhà trường, các địa phương, chỉ sau một hai năm, tỷ lệ BHYT học sinh đã tăng vượt trội. Nếu như 5 năm trước chỉ đạt 70-80% thì 5 năm sau con số này liên tục trên 90% và đạt 99% vào năm 2014 với gần 26 nghìn thẻ. Hiện toàn huyện Ứng Hòa có 67/67 trường có học sinh tham gia BHYT. 100% số trường có nhân viên y tế, phòng y tế học đường và hầu hết đều có nước sạch, cốc chén, thuốc men, thiết bị y tế thiết yếu. Bên cạnh đó, BHXH huyện đã phối hợp tốt, thực hiện nghiêm túc hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tới các cơ sở khám chữa bệnh là Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và Trung tâm Y tế huyện, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, làm tốt công tác giám định, quản lý quỹ khám chữa bệnh chặt chẽ, không để tình trạng lạm dụng làm thất thoát, đem lại niềm tin cho người dân.
Mặc dù đã đạt được những thành công trên song với một số điểm mới như sẽ thu BHYT học sinh theo năm tài chính. Tức là, trước đây thu theo năm học, thẻ BHYT của học sinh sử dụng từ 1-10 năm trước, hết hạn vào 30-9 năm sau. Nay triển khai theo năm tài chính, tức là đợt này sẽ triển khai BHYT học sinh sử dụng từ ngày 1-10-2015 đến hết 31-12-2016. Như vậy, ngoài số tiền đóng một năm thì còn phải đóng cho cả 3 tháng (từ 1-10 đến hết 31-12 năm 2015). Đặc biệt, theo quy định mới, mức thu BHYT học sinh tăng từ 3% lương cơ bản như trước lên 4,5% lương cơ bản. Đây là hai trở ngại không nhỏ mà BHXH huyện Ứng Hòa đang tập trung giải quyết sao cho tốt nhất để duy trì và phát triển tỷ lệ tham gia BHYT học sinh trên địa bàn.
Theo Thảo Nguyên (HNM)