Niềm vui dưới những mái nhà tình nghĩa
Ðẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, Nhà nước và nhiều đơn vị đã chung tay chăm lo nhà ở kiên cố, khang trang cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những ngôi nhà từng là mong mỏi của cả một đời người đã hình thành từ sự hỗ trợ ấy.
Hơn 25 năm ao ước
Sáng 27.7, chị Mai Thị Thu Đào (49 tuổi, ở khối An Khương, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát- con liệt sĩ), nở nụ cười ngượng ngùng khi được mọi người khen ngợi về ngôi nhà mới cứng, khang trang và vững vàng trên diện tích đất hơn 80m2. Mẹ chị, bà Trần Thị Diền (75 tuổi), cũng móm mém cười hồn hậu. Bà xuýt xoa, bảo: “Hơn 25 năm ao ước của 4 mẹ con nó (chị Đào - PV) đấy! Những kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, Tết Nguyên đán sắp tới, mấy đứa cháu gái của tôi không còn phải hỏi mẹ câu “về nhà nào bây giờ hả mẹ?” nữa rồi”.
Lý giải cho lời tâm sự của bà Diền, chị Đào bảo: “Hơn 25 năm qua, mẹ con tôi chưa bao giờ có một ngôi nhà riêng mà phải ở nhờ nhà mẹ ruột, nhà anh em ruột. Chồng tôi mất khi con gái út vừa được vài tháng tuổi, một mình nuôi 3 đứa con ăn học, nhà cửa trở thành điều xa vời với tôi. Ngày thường, tôi đi làm thuê, làm mướn, đi làm người giúp việc ở TP Quy Nhơn rồi ở lại chỗ làm; 3 đứa con gái, đứa đi học cao đẳng thì ở ký túc xá; đứa đi làm ở huyện Hoài Nhơn thì ở trọ; đứa làm nhân viên kế toán thì ở nhờ nhà người quen. Đến khi lễ, tết, chuyện chỗ ở phức tạp hơn, vì con cái đã lớn, biết suy nghĩ nên sợ phiền cô, dì, chú, bác nếu về ở dài ngày”.
Được gói hỗ trợ 55 triệu đồng của Khối các cơ quan hành chính sự nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, chị Đào bàn với các con xây nhà. Được người cô để lại cho mảnh đất với giá phải chăng, lại được người chủ nhà mà chị đang giúp việc cho mượn trước 40 triệu đồng (sẽ trừ dần vào tiền công), rồi mượn thêm anh em, họ hàng, chị vững dạ xây ngôi nhà mới với chi phí hơn 200 triệu đồng.
Ngước nhìn mảng tường nhà được quét sơn màu xanh nhạt, chị hồ hởi: “Vậy là có nhà thiệt rồi! Nhà này là nhà tình nghĩa. Nhờ có tình nghĩa, sự giúp đỡ của nhiều người mà có nhà. Mai mốt, con cái có dẫn bạn bè về, sui gia cũng không phải tủi thân nữa”.
Khấp khởi theo từng viên gạch xây
Chúng tôi ghé nhà bà Nguyễn Thị Lan (52 tuổi, ở thôn Tài Lương 2, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) vào một trưa tháng 7. Dưới tán dừa, bà Lan đang loay hoay dọn dẹp trong ngôi nhà được hỗ trợ theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ đang xây dựng dở dang. Chỉ tay sang phải, bà Lan giới thiệu ngôi nhà cũ của mình lụp xụp, xuống cấp với những bức tường rạn nứt, loang lổ những vết ẩm ướt. Được biết, ngôi nhà này cũng là nhà tình nghĩa cho hộ con liệt sĩ được xây dựng từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Chồng đi làm công nhân xưởng gỗ ở xã Hoài Hảo, bà Lan ở nhà lo ruộng vườn, thay chồng hỗ trợ thợ xây. Hơn 2 tháng trôi qua, căn nhà cao ráo đã thành hình, thành dáng. Vợ chồng bà Lan khấp khởi vui mừng. Bà đếm từng viên gạch, hình dung ngôi nhà chỉ nửa tháng nữa sẽ hoàn tất mà thấy lòng vui khôn tả.
“Thật ra, vợ chồng tôi tính ở tạm thêm vài năm nữa, đợi anh con út học xong cao đẳng thì hãy dành dụm xây nhà, dù ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Nhưng rồi được địa phương thông báo là Nhà nước hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng xây mới, chồng tôi quyết định vay mượn thêm để làm nhà. Chồng tôi vẫn bảo, sự hỗ trợ, quan tâm về nhà ở của địa phương, Nhà nước là nhằm ghi công sự hy sinh của cha, nên mình phải quý trọng, giữ gìn”, bà Lan bày tỏ.
NGUYỄN MUỘI