Nghĩa trang ngày 27.7
Trong dòng người về với các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh trong ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), có những người vợ, người mẹ, người con… Với họ, ngày 27.7 hằng năm còn là một ngày giỗ mà nếu không được về Nghĩa trang Liệt sĩ bày bánh trái, bình hoa, thắp nén hương, ắt hẳn sẽ thấy trống vắng vô cùng.
Cụ bà Võ Thị Huệ (89 tuổi, quê ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ; hiện đang sống tại Trung tâm Chăm sóc người có công tỉnh) đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn bằng xe xích lô do ông Lê Hồng Thái (58 tuổi, nhân viên bảo vệ Trung tâm) đưa đi. Trong bộ đồ bà ba màu trắng, ngồi cạnh giỏ đựng hoa cúc vàng, bà Huệ thâm trầm, hướng mắt về phía mộ chồng- liệt sĩ Đặng Văn Ký.
Bị liệt hai chân nên bà chỉ có thể lấy tay sờ soạng, lau chùi phần vỏ mộ. Mọi việc còn lại như cắm hoa, sắp xếp bánh trái, thắp nến, rót trà, rượu… đều phải nhờ đến người bảo vệ. Trong lúc chờ sắp xếp, cụ bà khe khẽ nói như đang trò chuyện với chồng. Bà bảo: “Hồi còn sống, ông thích nhất là ăn bánh ít. Bà đi chợ về, thế nào cũng phải mua bánh ít cho ông. Nên bây giờ, bà chuẩn bị dĩa bánh ít và nước trà cho ông”.
7 năm rồi, từ lúc về công tác tại Trung tâm Chăm sóc người có công tỉnh, ông Thái quen thuộc với việc đưa cụ Huệ ra nghĩa trang thăm mộ chồng mỗi rằm, mùng một hằng tháng và lễ, tết. Ông cho biết: “Ở Trung tâm chỉ có mỗi cụ Huệ là có chồng nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn nên có thể đưa cụ đi mỗi khi có tâm nguyện. Những cụ khác, con hoặc chồng an nghỉ ở những nghĩa trang xa hơn thì khó mà thỏa tâm nguyện này được”.
“Mong sao, tôi còn minh mẫn, khỏe mạnh để tưởng nhớ, thăm ổng được thường xuyên. Tuổi này rồi, vẫn có thể ra tận nơi nhìn bia mộ, ngồi hồi lâu cho nén hương tàn là đã thấy hạnh phúc. Chứ tôi biết, còn nhiều lắm những người vợ không thể biết chồng mình đang ở đâu để nhang khói”, cụ Huệ chia sẻ.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng nỗi ám ảnh của cuộc chiến vẫn chưa nguôi ngoai. Đâu đó, vẫn còn những người vợ, người mẹ khắc khoải, đau đáu trông chồng, con họ trở về.
HÀ THANH