Giảm nghèo bền vững
Trong nhiều năm qua, công tác giảm nghèo ở tỉnh ta đã được tập trung giải quyết và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn 46.052 hộ nghèo, chiếm 11,62%, mức giảm bình quân mỗi năm 2,35%, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 giảm tỉ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh xuống còn dưới 8%, bình quân mỗi năm giảm 2%.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy việc giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo luôn rình rập. Với mức chuẩn nghèo đang áp dụng, nếu so với giá cả thị trường đắt đỏ như hiện nay thì chỉ cần người vừa thoát nghèo mắc bệnh phải điều trị dài ngày, hay bất ngờ gặp rủi ro trong làm ăn buôn bán là bỗng chốc họ trở thành người nghèo.
Hiện nay, trong khi người nghèo nhận được sự trợ giúp của khoảng 30 loại chính sách khác nhau, thì người cận nghèo chỉ được hưởng ưu đãi một vài chính sách. Hệ quả là người cận nghèo không đủ sức, đủ lực để thoát nghèo bền vững trong giai đoạn kế tiếp. Bản thân chính sách xã hội cũng có hai mặt. Nhiều chính sách gần như “cho không”, vô hình trung làm cho bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách ưu đãi của Nhà nước, mong hưởng thụ nhiều hơn là tự lực vượt khó. Câu chuyện nhiều người nghèo vừa được đưa ra khỏi danh sách nghèo, đã làm đơn xin được trở lại thành người nghèo để được hưởng các chính sách ưu tiên là câu chuyện “cười ra nước mắt”!
Do vậy, mở rộng và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, năm sau khó khăn hơn năm trước. Vì vậy, việc rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng nhóm đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cần được chú ý nhiều hơn. Đây là cơ sở để tiếp tục huy động và sử dụng hợp lý các nguồn vốn ưu đãi để giúp hộ nghèo vay vốn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý và các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo…
Một nhiệm vụ quan trọng là cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm khơi dậy tính tự lực tự cường, nâng cao ý chí phấn đấu để vươn lên thoát nghèo đi đôi với sự giúp đỡ, động viên, giám sát kịp thời của các cấp chính quyền, đoàn thể. Trong đó, công tác dạy nghề và tạo sinh kế cho người nghèo được coi là giải pháp căn cơ để thoát nghèo bền vững. Song vì nhiều lý do khác nhau, rất nhiều người nghèo mới chỉ chăm chăm hưởng thụ các chính sách hỗ trợ là chính, còn việc học nghề, dám vay tiền để làm ăn tạo sinh kế lâu dài của các hộ nghèo vẫn còn rất hạn chế.
Trong công tác giảm nghèo, chúng ta đã xác định chủ trương hết sức đúng đắn là “Trao cần câu, chứ không trao con cá”. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương là phải xem xét lại cách giúp người nghèo nhằm thực hiện cho được mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Văn An