Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số: Cần khoa học trong nhìn nhận giá trị
Văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta khá đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, tại các hội thảo, lễ hội về văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số miền núi gần đây, việc nhìn nhận và đánh giá các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa có sự thống nhất. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy.
Nhìn nhận đa chiều
Tại Hội thảo về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vừa được tổ chức tháng 6 vừa qua, có ý kiến cho rằng: Lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc Bana còn mang nặng tính tín ngưỡng, chưa thể hiện được tính nhân văn trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của nhà nghiên cứu Yang Danh về “Văn hóa làng người Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh” (được xếp loại xuất sắc), thì lễ hội đâm trâu có từ xa xưa xuất phát từ việc ăn mừng chiến thắng giữa các bộ tộc và các làng, sau này lễ hội đâm trâu được mở rộng một số nội dung khác như mừng đám cưới, mừng nhà mới, mừng năm mới, mừng sức khỏe… “Mỗi một thời kỳ, mỗi một nội dung của lễ hội đâm trâu có khác nhau, nhưng cả phần lễ và hội đều vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống”, nhà nghiên cứu Yang Danh nhìn nhận.
Tái hiện nghi thức đâm trâu trong Lễ hội mừng nhà rông mới của đồng bào Bana huyện Vĩnh Thạnh tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII - 2015.
Nói về tính nhân văn trong lễ hội đâm trâu, nghệ nhân Đinh Y Băng (72 tuổi), người am hiểu và sáng tác âm nhạc truyền thống nổi tiếng ở huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Thấu hiểu cái bụng của đồng bào, mình đã sáng tác bài “Khóc trâu” trên làn điệu dân ca Bana, đã được hát trong nhiều lễ hội đâm trâu: “Trâu ơi! Trâu ơi! Lâu nay tao với mày sáng chiều có nhau. Tao lo cho mày miếng ăn, tao lo cho mày chỗ tắm. Xa mày tao nhớ, vắng mày tao buồn. Nhưng vì lời hứa với thần linh; vì sức khỏe, vì sự no đủ của dân làng, tao phải trả mày về với Yang trời. Trâu ơi! Mày vui lòng nhé, mày đừng oán, đừng buồn nghe trâu”.
Cũng tại Hội thảo trên, UBND huyện An Lão đã đánh giá những năm gần đây đồng bào Hre, Bana trên địa bàn huyện An Lão đã ăn tết cùng với Tết cổ truyền của dân tộc, không còn tình trạng ăn tết riêng (tết trâu, tết bò) kéo dài nhiều ngày gây lãng phí tiền của, thời gian. Nhưng, trong phần tái hiện lễ hội dân gian ở địa phương trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh lần thứ XIII - 2015 vừa được tổ chức, đoàn huyện Hoài Ân đã chọn giới thiệu về lễ tết trâu của người Bana, là lễ cúng thường được tổ chức trước hoặc sau Tết Nguyên đán, cầu cho con trâu mạnh khỏe, sinh sản nhiều, to khỏe, được mua, được bán… đồng thời còn mang ý nghĩa cầu cho gia đình mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Già làng Đinh Giớt, ở làng T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, cho biết: “Theo truyền thống ông bà để lại, nhà nào có nuôi trâu bò thì mỗi năm đều phải tổ chức ăn tết trâu một lần. Ở làng mình hiện có khoảng một nửa số hộ tổ chức ăn tết trâu, kinh phí cũng không tốn kém gì nhiều. Ai có điều kiện thì làm con heo, còn không thì chủ yếu làm hai con gà để cúng và hũ rượu cần để mời khách đến chung vui”.
Phải dựa vào các nghiên cứu khoa học
Về lễ hội đâm trâu cũng như những lễ hội thể hiện “tục hiến sinh” khác, theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, thì cần phải nghiên cứu, giải quyết hài hòa, có tình, có lý trên cơ sở điều chỉnh theo hướng vừa bảo đảm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa phù hợp với xã hội trong thời đại ngày nay.
Nhìn nhận đa chiều về lễ hội đâm trâu, tết trâu… mới chỉ phần nào phản ánh một vài “lát cắt”, cho thấy sự chưa thống nhất trong đánh giá của các ban, ngành với thực tế đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Thực tế, việc công nhận giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cần có cơ sở khoa học, quan điểm nghiên cứu. Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Bình Định, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ở Bình Định, các công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về văn hóa cổ truyền của người Hre huyện An Lão, người Chăm Hroi huyện Vân Canh, người Bana huyện Vĩnh Thạnh đã được thực hiện. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ở Bình Định, cho biết: “Những công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, hay các tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian của các hội viên về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đều được thực hiện tốn nhiều thời gian, công sức gắn kết giữa lý luận với khảo sát, điền dã thu thập tư liệu trong thực tế. Một số công trình, tác phẩm đã được in thành sách phổ biến về cơ sở, cần được tham khảo khi thực hiện công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số”.
Sở VH-TT&DL, Hội VHTN tỉnh, cùng các ban, ngành, địa phương liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để có thể huy động được kiến thức, kinh nghiệm thực tế của các nhà nghiên cứu, cán bộ văn hóa, nghệ sĩ, nghệ nhân trong việc đánh giá được nhiều góc độ bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, có cơ sở xây dựng các mô hình quản lý thống nhất giữa nhà nước và cộng đồng, truyền thống và hiện đại…
HOÀI THU