Nhân tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (1-7.8):
Lao động nữ cần được “tiếp sức”
Nuôi con bằng sữa mẹ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ ở tỉnh ta vẫn còn nhiều trở ngại, đặc biệt là đối tượng công nhân, lao động phổ thông.
Theo Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nguyễn Thị Bích, sữa mẹ giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng, hấp thu trọn vẹn; giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, viêm ruột kết và lộn ruột. Sữa mẹ còn có nhiều kháng thể, giúp bảo vệ cơ thể trẻ chống lại nhiễm trùng dị ứng; giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, hoàn hảo về trí não.
Tủ lạnh bảo quản sữa tại cabin vắt, trữ sữa mẹ tại Công ty cổ phần May An Nhơn.
Những tín hiệu tích cực
Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, năm 2011, tỉ lệ trẻ bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời là 4,99%. Đây là một con số đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh. Trước thực trạng đó, nhiều hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức để nâng cao nhận thức của các bà mẹ về vai trò của sữa mẹ đối với trẻ trong những ngày đầu chào đời. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã tăng cường phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể và các đơn vị liên quan tổ chức nói chuyện chuyên đề, tập huấn kiến thức về chăm sóc bà mẹ có thai, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, chăm sóc trẻ bệnh…
Bên cạnh đó, chế độ thai sản mới cũng tác động lớn đến hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ. Với thời gian nghỉ sinh được nâng lên 6 tháng, các bà mẹ đã có nhiều thời gian để cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Kết quả là, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 6.953 trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chiếm 55,78% tổng số trẻ được sinh ra.
Việc tỉ lệ trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu được nâng cao cũng tác động không nhỏ làm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt là trẻ thấp còi.
Năm 2014, toàn tỉnh có 13.594 trẻ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi, chiếm tỉ lệ 13,03%. Số trẻ thấp còi (suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi) là 21.275 trẻ, chiếm tỉ lệ 20,39%. Tỉ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2,5kg giảm còn 5,5%.
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giúp trẻ có sức khỏe tốt. Ảnh minh họa
Tạo điều kiện cho lao động nữ
Nằm trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc” trong doanh nghiệp, giữa năm 2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hỗ trợ cho LĐLĐ tỉnh lắp đặt cabin vắt, trữ sữa mẹ đầu tiên tại Công ty cổ phần May An Nhơn. Theo chị Trần Thị Tâm, cán bộ phòng Y tế của Công ty, số công nhân nữ thuộc diện sinh sản khoảng 20-30 người. “Cabin rất hữu ích với những chị em ở xa công ty, giờ nghỉ trưa không thể về cho con bú. Chúng tôi nắm danh sách các chị em mới đi làm sau thời gian nghỉ sinh để động viên đến cabin vắt sữa, hướng dẫn cách bảo quản”, chị Tâm cho hay.
“Với đối tượng công nhân phải làm xa nhà, làm việc theo ca kíp, cần biết cách vắt và bảo quản sữa để cho trẻ uống cả khi ở nhà và khi đi làm. Sữa mẹ sau khi vắt có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 3-5 giờ (nơi khô mát, che đậy kĩ), ở ngăn mát tủ lạnh đến 3 ngày, ở ngăn đá tủ lạnh đến 6 tháng. Trước khi dùng cần hâm sữa bằng cách để bình chứa sữa trong nồi nước nóng trong vài phút, không đun sôi sữa. Nên cho trẻ uống bằng ly và muỗng”.
Bác sĩ NGUYỄN THỊ BÍCH, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh.
Tuy nhiên, kể từ sau cabin tại Công ty cổ phần May An Nhơn, trên địa bàn tỉnh chưa có một cabin nào khác được xây dựng. Bà Lê Thị Kim Chi, Trưởng ban Nữ công của LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Chúng tôi cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động, nhưng chưa có doanh nghiệp nào bỏ tiền ra để xây dựng cabin, tạo điều kiện cho công nhân nữ giữ lại nguồn sữa cho con nhỏ”.
Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm nay có chủ đề “Lao động nữ với việc nuôi con bằng sữa mẹ - Hãy tạo ra một môi trường làm việc thân thiện để hỗ trợ lao động nữ được tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ”. Theo kết quả khảo sát thực tế của bác sĩ Nguyễn Thị Bích, phần lớn lao động nữ đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản đều rất trăn trở trước điều kiện làm việc xa nhà, giờ giấc nghiêm ngặt nên không thể về cho con bú. “Rất xót xa là những lúc phải vắt bỏ sữa trong khi biết ở nhà con đang đói, nhưng vì mưu sinh nên phải chấp nhận”, bác sĩ Bích tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích nhận định, việc lắp đặt cabin vắt, trữ sữa theo chương trình “Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc” của Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm hỗ trợ lao động nữ thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, đem đến sự tiện lợi và phấn khởi chung cho mọi người. Đó cũng là điều kiện đảm bảo để các chị vững tâm làm việc tốt hơn. Việc nhân rộng mô hình này ở các doanh nghiệp khác là hết sức cần thiết.
NGUYỄN VĂN TRANG