Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Ðình Thuận: Cần có cầu nối giữa nghệ sĩ với khách hàng
Nhà nghiên cứu mỹ thuật (NCMT) Lê Ðình Thuận vừa có chuyến công tác và giảng dạy tại trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Ðịnh. Với nhiều tình cảm dành cho Bình Ðịnh, trong sự thẳng thắn và chân thành, ông trò chuyện cởi mở xung quanh một số hoạt động mỹ thuật và công tác đào tạo mỹ thuật của khu vực miền Trung và tỉnh Bình Ðịnh nói riêng.
* Xin ông cho biết một số ý kiến nhận xét về hoạt động mỹ thuật khu vực miền Trung?
Nhà NCMT Lê Ðình Thuận là cựu sinh viên trường Mỹ thuật Việt Nam và Học viện Mỹ thuật Repin (Nga, Ilija Efimovich Repin (1844 - 1930), danh họa Nga nửa sau thế kỷ 19, dẫn đầu nền nghệ thuật hiện thực Nga). Năm 1987, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Repin, ông trở thành giảng viên trường Ðại học Nghệ thuật Huế cho đến nay. Nhà NCMT Lê Ðình Thuận thường được một số trường Ðại học, Cao đẳng mỹ thuật trong nước thỉnh giảng.
- Có một thực tế mà ít người quan tâm là tình trạng hoạt động mỹ thuật trong nước và khu vực miền Trung nói riêng thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có biểu hiện suy thoái. Nhìn từ góc độ các cuộc thi, triển lãm mỹ thuật được tổ chức trong thời gian qua có thể thấy những bế tắc trong hướng đi. các họa sĩ (HS), nhà điêu khắc (NĐK) miệt mài sáng tác nhưng lại không quan tâm đến thị hiếu của công chúng, khách hàng; tranh, tượng sáng tác ra không đáp ứng được nhu cầu của công chúng, thị trường. Thậm chí, không ít trường hợp HS, NĐK sáng tác nhưng lại không biết mình đang vẽ gì, tạc gì và phục vụ cho ai?
Các hoạt động mỹ thuật trong nước ngày càng trở nên trầm lặng hơn. Nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật không còn thu hút sự quan tâm của công chúng. Một con số khiêm tốn cho thấy, hiện chỉ có khoảng 10-20% HS, NĐK sống bằng chính tài năng của mình, 80% còn lại tìm sự “an toàn” trong các cơ quan Nhà nước, hoặc phải làm những việc trái ngành.
* Hoạt động mỹ thuật ở Bình Định thì sao, thưa ông?
- Bình Định là một trong những tỉnh, thành ở khu vực miền Trung có một đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác mỹ thuật và giảng dạy mỹ thuật khá hùng hậu. Đồng thời, Bình Định còn có cả Chi hội Mỹ thuật Việt Nam với nhiều HS, NĐK. Một số HS, NĐK của Bình Định cũng từng đoạt được một số giải thưởng khá cao tại các triển lãm mỹ thuật cấp khu vực và toàn quốc. Bình Định có trường Cao đẳng Bình Định và trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật đã và đang đảm nhiệm vai trò đào tạo các thế hệ sinh viên, học sinh mỹ thuật.
Tuy nhiên, môi trường hoạt động mỹ thuật tại Bình Định vẫn còn khá nhiều hạn chế, khó khăn. So với các trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, điều kiện giao lưu mỹ thuật và thị trường mua bán tranh, tượng của các HS, NĐK Bình Định chật hẹp hơn. Nói chung là không hề đơn giản, thậm chí là rất khó khăn.
* Còn về công tác đào tạo mỹ thuật?
- Không riêng sinh viên, học sinh mỹ thuật ở Bình Định, mà cả sinh viên, học sinh mỹ thuật Việt Nam nói chung đều thường đi trên “lối mòn” trong cách nghĩ. Theo tôi, đây không hẳn là lỗi của sinh viên, học sinh mà còn là lỗi của cả hệ thống tổ chức đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên. Do các em không được trang bị kiến thức mỹ thuật từ bé, nên nhận thức về mỹ thuật trở nên thiếu cơ bản, kể cả sinh viên các trường mỹ thuật. Dù được đào tạo chính quy bài bản, nhưng khi ra trường, rất nhiều tác phẩm của họ không có nét riêng. Không ít sinh viên khi ra trường không nắm bắt được xu hướng, thị trường tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí, một số sinh viên còn tự huyễn hoặc mình và chỉ làm những điều mình thích. Hậu quả là tác phẩm mỹ thuật không bán được, không định hướng được chân giá trị. Bản thân HS trẻ cũng không chứng minh được giá trị tác phẩm của mình. Nên nhớ rằng điều đáng nói là “hiệu quả đầu ra”. Từ thực tế đào đạo, nhiều sinh viên mỹ thuật tốt nghiệp ra trường, trở thành HS, nhưng tranh, tượng làm ra không bán được, dẫn đến mất phương hướng.
* Vậy theo ông, để thực sự phát triển bền vững mỹ thuật Bình Định cần phải làm gì?
“Cần thay đổi từ chính trong tư duy và cách làm. Ðồng thời, cần có một cầu nối giữa các nghệ sĩ với khách hàng. Ðiều này sẽ giúp cho việc định hình thị hiếu tiêu dùng và giá trị của tác phẩm rõ ràng hơn
- Không riêng Bình Định, theo tôi, để mỹ thuật Việt Nam phát triển cần phải thay đổi từ cái gốc, đó chính là chương trình đào tạo. Theo đó, giáo trình mỹ thuật phải thường xuyên đổi mới để không lạc hậu và bắt kịp tư duy, xu hướng hiện đại, bỏ qua cách dạy nửa vời. Cần thay đổi từ chính trong tư duy và cách làm. Đồng thời, cần có cầu nối giữa các nghệ sĩ với khách hàng. Điều này sẽ giúp cho việc định hình thị hiếu tiêu dùng và giá trị của tác phẩm rõ ràng hơn.
Mới đây, trên tạp chí Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) số tháng 7.2015, tôi đã có bài viết “Đổi mới đào tạo để phát triển”. Qua đó, tôi đã nêu lên thực trạng công tác đào tạo mỹ thuật của Việt Nam thời gian qua và đề xuất một số giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục và thay đổi cách làm…
Nhân đây, cũng xin “bật mí”, tôi đang xây dựng một dự án mang tên “CLB chơi tranh, tượng”. Mục đích của CLB là nhằm tổ chức một “sân chơi mỹ thuật” cho các HS, NĐK sáng tác những tác phẩm mỹ thuật có giá trị, những nhà nghiên cứu mỹ thuật, những nhà sưu tập mỹ thuật Việt nam có cơ hội gặp nhau, thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật có giá trị. Đặc biệt, qua đó tôi sẽ hình thành “sàn giao dịch” các tác phẩm cho bộ sưu tập tranh tượng của người chơi tranh, tượng; tổ chức hoạt động giới thiệu và phản biện các giá trị tác phẩm mỹ thuật, kích thích các nhà sưu tập nghệ thuật lựa chọn những tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Tất nhiên, tôi sẽ ưu tiên đối với các HS, NĐK khu vực miền Trung, trong đó có Bình Định.
* Xin cảm ơn ông!
* Bình Định vừa khánh thành loạt tượng dọc bờ biển Quy Nhơn. Loạt tượng này đã nhận được khá nhiều ý kiến, thậm chí trái ngược nhau. Cá nhân ông thì thế nào?
- Có lẽ, mục đích ban đầu của địa phương là xây dựng loạt tượng trên nhằm làm đẹp thêm cho cảnh quan biển Quy Nhơn. Tiếc rằng, loạt tượng này không phù hợp với không gian và cảnh quan kiến trúc ở khu vực ven biển Quy Nhơn. Bởi lẽ, hầu hết những bức tượng, phù điêu ở đây đều mang đậm chất mỹ nghệ, sản phẩm souvenir. Những thứ này đặt để trong phòng hay sử dụng để trang trí nội thất thì có thể phù hợp. Ðồng thời, một số tượng, phù điêu chưa phản ảnh được “hồn cốt” bản sắc văn hóa Bình Ðịnh. Ðiều đáng tiếc, nếu tỉnh tổ chức một trại sáng tác điêu khắc hoặc một cuộc thi sáng tác điêu khắc thì chắc chắn sẽ chọn được nhiều tác phẩm tốt, góp phần để cảnh quan ven biển Quy Nhơn đẹp hơn…
MỸ HẠ (Thực hiện)