Viết tiếp bài “Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố bị xâm hại”:
Phản ánh của Báo Bình Ðịnh là chính xác
Trước thực trạng rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố (huyện An Lão) bị người dân chặt phá để làm nương rẫy và lâm tặc “xẻ thịt” để lấy gỗ; ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã giao ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm trực tiếp về huyện An Lão chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm huyện An Lão phối hợp kiểm lâm địa bàn cùng UBND thị trấn An Lão vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Qua công tác kiểm tra thực tế tại hiện trường, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khẳng định, tình hình phá rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố, như Báo Bình Định phản ánh là chính xác.
Theo đó, những khu vực rừng bị phá chủ yếu nằm khoảnh 5, tiểu khu 19A và khoảnh 3, tiểu khu 27A với tổng diện tích là 21.000 m2. Rừng bị phá thuộc rừng tự nhiên, trạng thái IIA; chức năng phân cấp quy hoạch rừng phòng hộ do UBND thị trấn An Lão trực tiếp quản lý. Thời điểm kiểm tra các khu vực rừng bị chặt trắng với nhiều cây gỗ có đường kính mặt cắt gốc từ 10 - 18 cm, chiều cao gốc chặt từ 10 - 20 cm; thân cây gỗ dài vút ngọn từ 5 - 8 m; đối tượng dùng cưa máy để đốn hạ. Đáng chú ý, ngoài việc chặt phá rừng, Tổ công tác còn phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 19A có 12.100 m2 đất lâm nghiệp với chức năng quy hoạch phòng hộ bị người dân lấn chiếm. Tuy nhiên, tất cả những khu vực rừng bị phá hoặc đất lâm nghiệp bị chiếm, Tổ kiểm tra lại không phát hiện được đối tượng vi phạm.
“Qua công tác kiểm tra thực tế tại hiện trường, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khẳng định, tình hình phá rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố, như Báo Bình Định phản ánh là chính xác”
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố có phần trách nhiệm của UBND thị trấn An Lão do buông lỏng quản lý; hơn nữa, cán bộ kiểm lâm đứng chân tại địa bàn chưa sâu sát, chưa phát hiện kịp thời khu vực rừng bị phá để sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý. ông Huỳnh Ngọc Bảo cho biết: “Theo nguyên tắc khu vực rừng quy hoạch với chức năng phòng hộ thì do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý. Tuy nhiên, tất cả diện tích rừng bị phá lại chưa giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ An Lão quản lý; công tác quản lý hiện nay vẫn do UBND thị trấn An Lão đảm trách. Do công tác quản lý, kiểm tra của địa phương chưa sâu sát dẫn tới tình trạng người dân vào rừng chặt phá để làm nương rẫy trái phép”.
Sau khi xác minh khu vực rừng bị phá, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo bộ phận kiểm lâm đứng chân địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng; đồng thời, tiến hành xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. “Để không tái diễn tình trạng người dân vào rừng chặt phá, UBND thị trấn An Lão cùng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão phải thường xuyên tổ chức công tác tuần tra, kiểm tra; kết hợp vận động, tuyên truyền người dân địa phương cần nghiêm túc chấp hành các quy định về Luật Bảo vệ - Phát triển rừng. Đặc biệt, thời điểm sau mưa, lực lượng kiểm lâm cần theo dõi chặt chẽ; bởi đây là lúc các đối tượng phá rừng sẽ quay lại trồng rừng sau khi dọn thực bì xong. Vì thế, việc xác minh, làm rõ đối tượng vi phạm sẽ dễ dàng hơn”, ông Bảo nhấn mạnh.
Trước đó, Báo Bình Định số ra ngày 21.7.2015 có bài viết “Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố bị xâm hại”, phản ánh khi cây keo lai làm thay đổi kinh tế hộ gia đình, người dân không tiếc công lần lên các cánh rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Vố để phát rừng, trồng cây. tình hình phá rừng đầu nguồn ở đây diễn ra trong thời gian khá dài, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan của huyện, tỉnh cũng có vài lần kiểm tra, ngăn chặn, nhưng ngay sau đó nạn phá rừng lại tiếp diễn với quy mô lớn hơn.
TRỌNG LỢI