Hạnh phúc là một quá trình
Hẹn năm lần bảy lượt mới gặp được bác sĩ Hoàng Văn Khả. Anh bảo, công việc thất thường, hay có chuyện đột xuất, nên khó sắp xếp chính xác được một cuộc hẹn. Bận bịu là vậy, nhưng anh tâm sự rằng, dù gì cũng phải cố gắng sắp xếp để dành thời gian cho người thân. Ai cũng phải thế, nếu còn muốn vun vén cho hạnh phúc gia đình.
Bác sĩ Hoàng Văn Khả hiện là Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BVĐK tỉnh. Ngoài công tác quản lý, anh còn tham gia điều trị, mổ chương trình, mổ cấp cứu. Nhiều hôm, buổi trưa anh cũng không về nhà. Trong khi đó, vợ anh - dược tá Trần Thị Phương Kiều còn bận rộn hơn, suốt ngày loay hoay với công việc ở nhà thuốc của gia đình trên đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn).
“Bố mẹ bận công việc, con cái thì đi học cả ngày, thường sau 9 giờ tối, cả nhà mới có thời gian bên nhau. Bữa cơm muộn nhưng thoải mái lắm. Chúng tôi hay ra ngoài ăn nhẹ, hoặc đi dạo, cũng là cách thay đổi không gian để mọi người dễ chuyện trò hơn. Chia sẻ được với người thân cũng là một cách để duy trì nền tảng vững chắc cho gia đình”, anh tâm sự.
Cả anh và chị đều thống nhất rằng, chính sự chia sẻ cùng nhau đã giúp gia đình vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Như năm 1992, anh vào TP Hồ Chí Minh học chuyên khoa I ngoại tiết niệu. Khi ấy, chị mới sinh con được 3 tháng. Một năm sau, anh chị mở nhà thuốc. Một mình chị chăm con, vừa lo công việc mua bán. Mãi đến giờ, anh vẫn tự hào mình có người vợ đảm đang, chu tất việc nhà để anh yên tâm công tác. Là dâu trưởng trong gia đình có tới 8 anh chị em, nhiều lúc chị còn thay anh giải quyết việc gia đình, dòng họ. Thấu đáo, đâu ra đấy.
Mỗi người phải cố gắng sắp xếp công việc để dành thời gian cho gia đình.
- Trong ảnh: Bác sĩ Hoàng Văn Khả thăm bệnh nhân.
Cậu con trai Hoàng Phong nay đã là sinh viên năm thứ 6 của Trường ĐH Y Dược Huế. Con gái Hoàng Kiều Dung vừa tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, chuẩn bị nộp hồ sơ vào ngành dược. Bác sĩ Khả không thích mạng xã hội lắm “rắc rối”, nên liên lạc với con trai chủ yếu bằng điện thoại. Thêm một “kênh” khác là qua con gái, bởi tụi trẻ có rất nhiều cách để tâm sự với nhau. Riêng với con gái, anh như một người bạn thân thiết. Dung luôn chọn bố để kể chuyện, nhờ tư vấn, bởi anh rất tâm lý. Anh biết hết bạn thân của con, cả gia đình của các bạn ấy. “Mình chịu khó lắng nghe, chịu khó tìm hiểu và chia sẻ, con mới chủ động bắt chuyện. Nhờ đó mà định hướng đúng đắn cho con trong quá trình hình thành nhân cách, giúp con vượt qua những cột mốc, những “ngưỡng” quan trọng của cuộc đời”, bác sĩ Khả trải lòng.
Anh kể, năm học lớp 6 ở Trường THCS Lê Hồng Phong, Dung có thói quen chào bác bảo vệ mỗi khi vào và ra cổng trường. Các bạn cùng lớp hay thắc mắc, đâu có ai chào bác bảo vệ như Dung. Con gái hỏi bố: “Vậy, con chào bác bảo vệ có đúng không?”. Anh nhỏ nhẹ phân tích cho con hiểu, rằng việc chào hỏi người lớn tuổi hơn là lễ phép, là việc phải làm. Bác bảo vệ cũng là người lớn tuổi, công việc của bác ấy tuy bình dị nhưng hữu ích, các con phải biết lễ phép trước bác ấy. Con bé gật gù ra chiều thấu hiểu, từ đó vui vẻ chào bác bảo vệ mà chẳng còn lăn tăn.
Cứ thế, những mẩu chuyện chừng như vụn vặt hằng ngày lại là chất keo vô hình, làm mối quan hệ gia đình thêm bền chặt theo năm tháng...
Gia đình bác sĩ Hoàng Văn Khả được tôn vinh là “Gia đình thành đạt” cấp tỉnh năm 2014. Anh vẫn cho rằng, gia đình hạnh phúc thì mới thành đạt, nhưng gia đình thành đạt chưa chắc đã hạnh phúc. Anh bảo, hạnh phúc là cả một quá trình. Quá trình vun đắp, xây dựng. Quá trình cảm nhận của từng thành viên, nhà nào chẳng có “lúc này lúc nọ”, cái chính là ai cũng biết dung hòa các mối quan hệ xã hội của bản thân, dành sự quan tâm cho những người thân.
MAI LÂM