“Ở cữ ” thời nay
Thời nay, quan niệm về chuyện kiêng cữ (để giữ gìn sức khỏe) của phụ nữ sau sinh đẻ có thoáng hơn nhưng vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều chị em. Lời khuyên cho chị em là cần có kiến thức về vấn đề này để chọn lựa cách kiêng cữ đúng, an toàn.
Mẹ ruột mất đã lâu nên sau khi sinh con, chị Hoàng Anh, 26 tuổi, được đưa về quê chồng ở Cát Hanh, Phù Cát. Dù biết mẹ chồng kỹ tính nhưng chị Hoàng Anh thật sự sốc với các yêu cầu kiêng cữ được đặt ra. Mọi sinh hoạt của chị đều được diễn ra tại giường, cơm bưng nước rót tận nơi. Các món ăn toàn thịt, cá kho mặn, canh thì chỉ tô nhỏ, độc món chân giò. Chỉ trong 1 tuần, chị Hoàng Anh “bức sô”, không nuốt nổi cơm do mẹ chồng nấu. Chị sinh vào mùa hè, nắng nóng nhưng mẹ chồng vẫn buộc chị phải mặc quần áo tay dài, mang tất chân để tránh bị lạnh, nhét bông gòn vào tai. Ám ảnh nhất là mỗi sáng, mẹ chồng dậy sớm, quạt lò than để dưới gầm giường bắt chị nằm. Dù chồng và chị Anh hết lời can ngăn nhưng mẹ chồng không giảm bất cứ khoản kiêng cữ nào, chỉ đến khi con trai chị nổi hột đỏ đầy người và mưng mủ phải đi bác sĩ thì mẹ chồng chị mới không bắt nằm than nữa.
Dù nhiều phụ nữ từ khi mang bầu đều tham vấn “giáo sư Google” hàng ngày về cách chăm sóc sức khỏe mẹ và bé trước và sau sinh, nhưng với riêng việc kiêng cữ thì nhiều chị em bị tâm lý “xưa bày nay làm” dù không hiểu tại sao, hoặc bị sức ép từ bà, mẹ. Thế nên chuyện sản phụ sau sinh không được tắm rửa, gội đầu, đánh răng, phải hơ mặt bằng lá ngải cứu, hành khô, nghệ, phải xoa rượu gừng khắp người; em bé phải được hơ lá trầu ở mắt, đầu, bụng, bộ phận sinh dục... vẫn không hiếm. Những cách kiêng cữ không đúng chẳng những không giúp sản phụ khỏe thêm mà còn khiến họ căng thẳng tâm lý, tắc sữa, stress... Chưa kể, hiện nay, nhiều chị em sinh mổ nên việc kiêng khem như xưa không còn phù hợp.
Vì vậy, chuyện các nghệ sĩ hoặc bạn bè, người thân sinh con ở nước ngoài chia sẻ qua mạng xã hội việc họ tự chăm sóc cho bản thân, con khi ra viện không khác gì lúc chưa sinh con khiến nhiều chị em ganh tỵ. Chị Bảo Trâm, dược sĩ, sống ở California, Mỹ, kể: “Sau khi sinh khoảng 6 tiếng, tôi đã có thể và nên ngồi dậy sớm vì việc này giúp cơ thể chóng hồi phục. Bác sĩ cho tôi làm một số việc nhẹ tự chăm sóc cá nhân như thay áo, vệ sinh vùng ngực để cho bé bú. 12 giờ sau sinh, sản phụ nên đi lại nhẹ nhàng để giúp tử cung co bóp tốt hơn và tống xuất sản dịch nhanh hơn. Mọi sinh hoạt, vận động như vệ sinh răng miệng, thân thể, xem ti vi, đọc sách báo vẫn nên được thực hiện ở mức độ phù hợp. Ban đầu ba mẹ tôi cũng bắt kiêng cữ một số thứ nhưng chị họ của tôi thuyết phục được ông bà vì bản thân chị chăm sóc, sinh hoạt sau khi sinh như vậy mà giờ gần 50 tuổi vẫn không đau lưng, tê nhức gì”.
Dù vậy, nếu bạn sống trong một gia đình có nhiều thế hệ, thì chị em nên khéo léo làm công tác tư tưởng với mẹ hoặc bà từ khi mang bầu cho đến khi sinh để không mất lòng mọi người chỉ vì những quan điểm quá khác biệt về kiêng cữ ngày xưa và nay.
Theo các chuyên gia khoa sản, việc kiêng cữ thái quá sau sinh là không cần thiết. Nếu sinh thường, chị em có thể tắm sau sinh 1 ngày. Trong trường hợp đẻ mổ phải kiêng vài ngày khi vết mổ đã lành là có thể tắm được. Chị em nên chọn lọc những quan điểm kiêng cữ đúng cách, không nên kiêng thái quá khiến tâm lý bị căng thẳng và đôi khi còn gây hại cho cả hai mẹ con.
Chế độ dinh dưỡng sau sinh
- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Tránh kiêng khem, nên ăn nhiều rau, củ, trái cây.
- Uống nhiều nước, khoảng 3 lít/ngày.
- Tránh thức ăn chua, quá lạnh, quá nóng, có chất kích thích như bia, rượu, cà phê, vì sau sinh men răng của sản phụ thường không tốt (do thiếu canxi) nên những chất này có thể làm răng bị ê buốt và hư men răng. Ngoài ra hệ tiêu hóa, dạ dày dễ bị kích thích khi dùng những thức ăn này, gây triệu chứng tương tự viêm dạ dày.
- Hạn chế ăn quá mặn vì có thể gây cao huyết áp.
HỒNG PHÚC