Chọn lối nào?
Bắt đầu từ ngày hôm nay (1.8), các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong cả nước bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của học sinh vừa tốt nghiệp THPT. Theo Bộ GD&ĐT, năm nay cả nước có tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH khoảng 400.000. Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT.
Trong kỳ thi vừa qua, tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693. Với mức điểm sàn là 15 điểm, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường ĐH.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, với mức điểm sàn của năm nay chất lượng xét tuyển ĐH, CĐ không thua kém các năm trước. tuy nhiên, vấn đề đặt ra là học sinh tốt nghiệp THPT có nên tiếp tục đổ xô vào chọn con đường học ĐH, CĐ. Bởi vì, thông tin từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội vừa công bố cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý, số lao động có trình độ ĐH, sau ĐH thất nghiệp là gần 178.000 người (năm 2014 hơn 162.000 người); lao động tốt nghiệp CĐ thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000 người… Đây là những con số rất đáng lo ngại với không chỉ riêng thị trường lao động mà còn với cả hệ thống giáo dục - đào tạo, nhất là khi mỗi năm có hơn 400.000 người tốt nghiệp ĐH, sau ĐH.
Tình trạng lao động có trình độ CĐ, ĐH và sau ĐH thất nghiệp đã được cảnh báo từ nhiều năm nay, nhưng có vẻ như Bộ GD&ĐT, các nhà trường và ngành lao động vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Phần lớn các trường chỉ chạy theo số lượng đào tạo, còn người học cứ học mà không quan tâm đến vấn đề việc làm sau khi ra trường. Nhìn vào tốc độ “nở rộ” các trường CĐ, ĐH trên khắp cả nước sẽ thấy rõ điều này. Ngoài các trường CĐ, ĐH quốc gia hoặc vùng, hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có ít nhất một trường CĐ và một trường ĐH trở lên. Các hình thức liên kết đào tạo, đào tạo liên thông cũng “trăm hoa đua nở”. Thậm chí, nhiều trường trung cấp cũng được phép liên kết đào tạo ĐH. Thế mới có những câu chuyện nực cười, như nhiều học sinh chưa có kết quả thi tốt nghiệp THPT đã nhận được vài cái giấy báo… trúng tuyển CĐ, ĐH!
Sở dĩ có tình trạng trên, ngoài việc đào tạo tràn lan còn có do tâm lý sính bằng cấp, muốn có bằng ĐH cho bằng chị bằng em, để cha mẹ “nở mày nở mặt” với xóm làng của không ít phụ huynh và học sinh nên đổ xô đi học CĐ, ĐH dù đó là trường gì. Cho nên nhiều người tốt nghiệp CĐ, ĐH mà viết cái đơn xin việc cũng không nổi và thất nghiệp là chuyện dễ hiểu.
Với kỳ tuyển sinh CĐ, ĐH đang diễn ra, có lẽ mối quan tâm hàng đầu của hàng triệu thí sinh và phụ huynh là lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, niềm đam mê và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đây chính là thời điểm các trường học, các cơ quan lao động, các cơ quan truyền thông… cần phát huy vai trò trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho các thí sinh. Bộ GD&ĐT cùng Bộ LĐ-TB&XH cần sớm có những khảo sát chính xác và có những dự báo dài hơi về nhu cầu lao động, việc làm của xã hội, từ đó có kế hoạch giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp cho từng trường chứ không thể thả nổi việc đào tạo như hiện nay.
H.Đ