Đừng thờ ơ với “cỏ Mỹ” và shisha
Phải là “người trong cuộc” kể, mới thấy rõ “cỏ Mỹ” và shisha gây ra tác hại khủng khiếp như thế nào đến sức khỏe, lối sống, nhân cách của một bộ phận thanh thiếu niên. Biết, nhưng như người mắc kẹt ở đầm lầy, nhiều nạn nhân của những chất gây nghiện này không có đủ ý chí và cũng không có được sự hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ hiệu quả từ gia đình, xã hội, cơ quan chức năng để thoát khỏi chốn u mê, tăm tối đó.
Phê và “phế”
Tường tận, chi tiết, với toàn những tính từ như “lâng lâng”, “đờ”, “bay bổng”, “đê mê”..., H. (23 tuổi, phường Lê Lợi), làm nghề lái xe, kể với tôi về cảm giác của cậu sau những lần phê “cỏ”. “Có lần em phê thuốc, ở trong phòng mà cảm giác ngột ngạt, bức bối vô cùng, không xác định được thực tại, không biết mình đang ở đâu, không xác định được thời gian, thậm chí chẳng còn biết mà sống hay chết. Em cố lê ra cửa, đẩy cửa nhìn ra đường. Rồi em thấy người và xe trên đường lao vun vút lao qua trước mặt mình, y như một đoạn phim chiếu nhanh, rồi em qụy xuống không biết gì nữa...”, H. nhớ lại.
Sau thời gian dài sử dụng với liều cao (2 gói “cỏ Mỹ”/ngày), H. khẳng định, “cỏ” không chỉ gây nghiện mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe: “Người em luôn trong trạng thái mệt lả, đặc biệt là trí nhớ giảm sút nghiêm trọng. Như chủ gọi đi chở hàng tại một địa chỉ nọ, nhưng ngay sau đó em không nhớ gì cả và cứ chạy xe lòng vòng, phải gọi hỏi lại, mà nhiều lần như vậy, nên bị chủ la. Có khi hút xong, em cầm vô lăng xe lái mà cứ tưởng như đang... chơi game nên vô tư đánh võng trên đường, suýt gây tai nạn”.
“Hiện 2 chất shisha và “cỏ Mỹ” không nằm trong danh mục cấm, nhưng chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên để có biện pháp xử lý phù hợp. Trước mắt, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của 2 chất này, vì nó không chỉ ảnh hưởng đền sức khỏe, tinh thần mà còn là gánh nặng về kinh tế, và là con đường rất ngắn dẫn đến nghiện heroin và các loại ma túy tổng hợp khác”
Đại tá NGUYỄN AN NINH, Phó Giám đốc CA tỉnh
Còn C. (một học sinh lớp 11, ở phường Hải Cảng), thì miêu tả: “Hút xong, thấy rất phê và ảo. Cảm giác như được “tẩy não” hoàn toàn. Nhưng sáng mai dậy em thấy đau đầu, mệt mỏi, không muốn bước xuống giường để đến lớp một chút nào. Năm rồi học lực em bị giảm, phải thi lại đến 3 môn cũng do tính hay quên”. Lý do C. dùng “cỏ Mỹ” cũng rất dễ hiểu với một cậu trai đang ở tuổi thích thể hiện mình: “Đi chơi cùng bạn bè, ai cũng hút, chả lẽ mình không”.
C. kể, khi hút vào thì cảm giác muốn làm điều gì đó nhưng không biết được chính xác đó là điều gì, nên người rất bứt rứt; có lúc nghe tiếng ai đó kêu hay thách đố đánh nhau, có khi lại cảm giác như bị đánh nên tìm cách trốn vào nơi an toàn, nhưng lại không thể nào nhúc nhích được, ngồi đờ người ra đó, rồi có khi hút xong, nhìn vào người đối diện, cảm giác muốn gây sự đánh nhau cho bõ tức....
Ảo giác và dễ bị kích động, lôi kéo, đó là kết luận của Q. (17 tuổi, phường Hải Cảng) về “cỏ Mỹ” sau 1 năm dùng loại ma túy này: “Shisha, “cỏ” có thể trộn lẫn nhiều chất kích thích lắm. Nếu con gái không cẩn thận, hút vào sẽ không làm chủ được bản thân, dễ bị lợi dụng tình dục. Có lần nhóm mấy đứa bạn của em (4 nữ, 2 nam) cùng nhau thuê khách sạn để hút shisha có pha “cỏ”, uống rượu, sau khi đã phê cả nhóm rủ nhau quan hệ tình dục tập thể”. Một người bạn trong nhóm Q. thì khoe “thành tích”: “Mỗi khi dẫn bạn gái mới quen đi chơi, em thường pha “cỏ” vào bình shisha và kêu bạn gái hút thử. Làm vậy sẽ dễ chinh phục tụi con gái hơn”.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Hậu quả từ chất gây nghiện đã thấy rõ, “người trong cuộc” cũng nhận biết rõ, nhưng nhiều người, vì nhận thức kém, vì không đủ bản lĩnh nên không thoát ra được sự cám dỗ chết người từ những làn khói độc hại này.
“Shisha, “cỏ” có thể trộn lẫn nhiều chất kích thích lắm. Nếu con gái không cẩn thận, hút vào sẽ không làm chủ được bản thân, dễ bị lợi dụng tình dục”
Trong khi đó, gia đình và nhà trường, thậm chí cơ quan chức năng lại chưa có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự xâm nhập, tàn phá của “cỏ Mỹ”, shisha đối với thanh thiếu niên. Nói như giáo viên của một trường THPT tại TP Quy Nhơn, thì nội quy của nhà trường vẫn có nội dung cấm học sinh sử dụng thuốc lá và những chất kích thích khác, nhưng các em học sinh vẫn lén lút sử dụng và nếu bị phát hiện thì tùy mức độ mà trường có hình thức xử lý như phạt lao động trực nhật lớp, trường, hạ hạnh kiểm, thông báo về cho phụ huynh. Nhưng ngoài giờ học thì nhà trường không thể quản lý được các em. Mặt khác, về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra lo ngại và lúng túng trong việc quản lý con mình, như chia sẻ của anh T. (phường Hải Cảng): “Từ ngày biết con mình dùng “cỏ”, tôi một mặt không cho nó tiền, một mặt hạn chế nó ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Trước mắt là như vậy, nhưng về lâu dài cũng chưa biết nên thế nào”.
Công tác quản lý của cơ quan chức năng đối với các chất gây nghiện này hiện cũng có nhiều bất cập.
“Người sử dụng chất này sẽ tăng nhịp tim lên đến 150 lần/phút, gây tăng huyết áp lên đến 200mmHg, tăng nhịp hô hấp, giãn tĩnh mạch, tê, cảm giác như kiến bò, da nhợt nhạt, thậm chí gây nôn ói, tâm lý hoảng sợ và trong một số trường hợp có thể gây co giật, hôn mê, bất tỉnh”.
BS Nguyễn Minh Toàn, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh
“Sử dụng chất gây nghiện trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nặng đến hệ thần kinh, gây ra chứng hoang tưởng, ảo giác, dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, thậm chí dẫn đến tự tử hay đánh đối phương do nghĩ có người ám hại mình”.
BS Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh
KIỀU ANH