Nghệ nhân đa tài xứ Dừa
Ðến khối 2, thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, hỏi thầy giáo Lý Thành Long thì ai cũng biết. Ông là nghệ nhân đa tài có nhiều cống hiến cho dân ca bài chòi từ vai trò nhạc công đến sáng tác, dàn dựng và trao truyền đam mê nghệ thuật truyền thống cho lớp trẻ.
Đam mê dân ca bài chòi
Thầy Lý Thành Long (51 tuổi), quê ở thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn. Thừa hưởng tình yêu dân ca bài chòi, hát bội từ người mẹ và dòng họ bên ngoại, cách đây 30 năm Lý Thành Long đã quyết theo học chuyên sâu ở lớp đào tạo nhạc công âm nhạc truyền thống (khóa 3) Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Nghĩa Bình. “Khi ấy, nhạc cụ dân tộc cũng như âm nhạc truyền thống chưa được xem trọng. Khi tôi ra trường khó xin được việc, thậm chí là bị xem thường. Nhờ có sự giúp đỡ của một người bạn, tôi mới được nhận làm cán bộ phụ trách chuyên môn âm nhạc của Phòng GD&ĐT huyện Hoài Nhơn…”, ông Lý Thành Long hồi tưởng. Từ mối duyên đến và gắn bó với ngành giáo dục suốt mấy chục năm qua, Lý Thành Long hiện là giáo viên dạy Nhạc và dạy cả môn Văn, có nhiều đóng góp ở Trường THCS Tam Quan Nam.
“Thầy Lý Thành Long hiện là “cây” dân ca bài chòi số một ở huyện Hoài Nhơn. Ông là một trong những nghệ nhân được huyện Hoài Nhơn đề nghị xem xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú…; là người thầy nhiệt tâm được học trò kính mến…”
Ông Nguyễn Văn Rạng, cán bộ văn hóa xã Hoài Thanh
Bằng đam mê tìm tòi, nghiên cứu và tích lũy dần kinh nghiệm, ngoài phát huy tài năng trong vai trò nhạc công, Lý Thành Long còn sáng tác nhiều bài dân ca bài chòi được công chúng ưa thích, viết kịch bản và dàn dựng các chương trình, tiểu phẩm dân ca bài chòi tại các hội diễn văn nghệ ở địa phương. Tại Hội thi Liên hoan Đàn và Hát dân ca của tỉnh Bình Định 2012, Lý Thành Long đảm nhận vai trò dàn dựng, nhạc công cho chương trình biểu diễn tổ khúc dân ca bài chòi của huyện Hoài Nhơn. Chương trình của Hoài Nhơn đoạt giải cao, riêng ông còn được trao giải “Tác giả xuất sắc”. Tiểu phẩm “Hai người cha” do ông sáng tác, được dàn dựng tham gia Hội thi đàn, hát dân ca, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc lần thứ II năm 2014 do Bộ CHQS tỉnh tổ chức, cũng xuất sắc giành được giải Nhì.
Nói về thành công tiểu phẩm này, ông Long chia sẻ: “Khi sáng tác tiểu phẩm “Hai người cha”, tôi cảm thấy có nhiều đồng cảm, trân trọng những người cựu chiến binh trong thời bình nỗ lực đi tìm hài cốt liệt sĩ. Tiểu phẩm khai thác nhiều làn điệu dân ca bài chòi một cách uyển chuyển, cũng như ca từ ý nghĩa nên nhiều khán giả đã bày tỏ sự xúc động và khen ngợi…”.
Những năm gần đây, Lý Thành Long thường sáng tác các bài hát, tiểu phẩm dân ca bài chòi hướng về chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ca ngợi người lính Trường Sa… Đài PT-TH Bình Định đã thực hiện các chương trình Khúc hát dân chài, Ngọt ngào khúc tương giao để giới thiệu về các tác phẩm của Lý Thành Long. Niềm đam mê dân ca bài chòi của ông đã được chia sẻ bởi vợ là bà Nguyễn Thị Lý, người đã đoạt nhiều giải thưởng trong các hội thi hát dân ca bài chòi cấp huyện, tỉnh. Bà Lý tâm sự: “Trước đây, tôi cũng hát các bài hát dân ca bài chòi lời mới của một số tác giả, nhưng từ khi gặp và có sự đồng điệu nên duyên vợ chồng với anh Long, tôi đã được hát nhiều ca khúc hay của ông xã với cách viết lời ấn định, hát đúng đến từng nốt nhạc một cách tự nhiên đã tạo được sự hứng thú khi biểu diễn…”.
Truyền cảm hứng cho mọi người
Nghiên cứu nhiều về dân ca bài chòi, ông Lý Thành Long luôn trăn trở để tìm ra cách đưa dân ca bài chòi đến với đông đảo mọi người, nhất là lớp trẻ để vốn quý này không rơi vào mai một, lãng quên. Không phân biệt thiếu niên, người già, miễn là có niềm đam mê dân ca bài chòi đều được ông nhận đào tạo và truyền dạy dưới nhiều hình thức. Thông qua việc dàn dựng chương trình của các đơn vị tham gia hội thi, hội diễn, ông đã nhiệt tình kèm cặp thêm cho những người có năng khiếu dân ca bài chòi để họ có những bước tiến rõ rệt.
Năm 2014, thầy Lý Thành Long được mời giảng dạy lớp dân ca bài chòi trong 3 tháng tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Tam Quan Nam. Ông cho biết: “Lớp học có đến 45 học viên là tất cả bà con yêu thích bài chòi, trong đó có đến 3/4 là lớp trẻ. Tôi là người truyền dạy và làm giám khảo cho hội diễn tốt nghiệp của học viên. Kết thúc khóa học, nhiều học viên nay đã trở thành hạt nhân hát dân ca bài chòi đóng góp tích cực cho phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương”. Ông cũng đang ấp ủ dự định thời gian tới sẽ liên hệ với nhà trường tuyển những em học sinh lớp 6, 7 có năng khiếu hát dân ca bài chòi để hướng dẫn tập luyện kỹ càng trong những năm học THCS.
Hiện tại, thầy Lý Thành Long đang tích cực tập luyện cho đội xã Tam Quan Nam chuẩn bị tham gia Liên hoan bài chòi cổ do huyện tổ chức. “Tôi muốn góp phần vào việc quảng bá, bảo tồn dân ca bài chòi hiện nay qua việc đi dàn dựng cho các địa phương, đơn vị để tìm kiếm, uốn nắn thêm cho những người có năng khiếu để gầy dựng lực lượng hoạt động phong trào...”, ông Long tâm sự.
ĐẶNG THỊ LẠ