Dạy con tự lập
Viễn cảnh không mấy tích cực về việc phải làm osin cho con ngay khi con đã trưởng thành đã thôi thúc không ít phụ huynh tốn tiền cho con đi học các lớp kỹ năng sống, học kỳ quân đội ngay khi con còn học phổ thông. Giúp con tự lập hơn trong cuộc sống, đó không chỉ là một cách dạy con mà còn là một quan điểm sống tích cực.
“Úm” con
Đây là câu hỏi mà nhiều phụ huynh vẫn thường tự hỏi khi thấy con mình dẫu đã lớn mà mọi thứ, từ vệ sinh cá nhân đến phụ ba mẹ làm việc nhà hoàn toàn thụ động, chờ nhắc mới làm hoặc chờ được làm giúp.
Một chị bạn của tôi vẫn thường than thở rằng, con trai của chị đã học đến bậc THPT mà đến bữa ăn vẫn ngồi đợi ba mẹ lấy chén bát, xới cơm cho, thậm chí gặp cá có xương còn đẩy qua cho mẹ nhờ gỡ giúp rồi mới ăn. “Đến chuyện ăn còn vậy thì mong gì đến chuyện con tự giác vệ sinh phòng ốc của nó, hay giúp ba mẹ làm công việc nhà. Chắc chờ đến khi con học đại học sống xa nhà may ra nó mới trưởng thành…”, chị ngao ngán.
Sinh ít con, hai bên nội ngoại, thậm chí cả dòng họ chỉ có một vài đứa cháu nên chuyện cha mẹ, ông bà thương và bảo bọc con cháu từ miếng ăn giấc ngủ đến đi đứng, học hành không phải là chuyện hiếm ở các gia đình thời nay. Thậm chí, khi con có ý định tự làm một việc gì đó thì người lớn ngăn lại vì sợ con làm không được, sợ con va vấp, sợ mất thời gian của chính mình vì phải làm lại cho con. Để rồi, khi bước chân vào cuộc sống tập thể hay sống xa gia đình, những “chú gà công nghiệp” ấy sẽ rất khó thích nghi với môi trường mới; rất vụng về, bối rối trước mọi việc khi không còn ai nhắc chừng, làm giúp.
Nhắc đến chuyện này, chị Ngân Sa, nhà ở đường Trần Bình Trọng, Quy Nhơn, nói ngay: “Ngày cháu tôi từ quê vào ở nhờ nhà mình, tôi thực sự sốc vì cháu không biết làm việc gì ngoài ăn, ngủ và đóng kín cửa phòng để chơi game dù cháu học lớp 12. Đến bữa ăn, gia đình tôi phải lên tận phòng kêu cháu mới xuống. Ở nhà cháu được bố mẹ nuôi dạy theo kiểu ấy rồi, chỉ học, ăn và chơi, không hề quan tâm đến người khác sống ra sao, có cần phụ giúp gì không. Có một người như vậy ở trong nhà như một gánh nặng vậy, thế là tôi bắt đầu dạy cháu những công việc rửa chén, quét nhà, rồi lặt rau, nấu cơm. Ở nhà tôi, cháu làm được hết nhưng đến khi về nhà mình, cháu lại như xưa vì ông bà, cha mẹ đều làm thay cả rồi”.
Nên “thả” để con tự lập
Tôi nhớ có lần trò chuyện với một người bạn lớn tuổi, anh kể rằng anh không dạy con tự lập bằng từng việc một. Ngày con còn nhỏ, thay vì đưa đón con như bao phụ huynh khác, anh cho con đi bộ từ trường về nhà vì nhà tương đối gần. Lớn chút nữa, anh tập cho con đi về quê một mình ở huyện miền núi trong tỉnh. Đầu tiên hai cha con cùng đi; rồi sau đó, anh dẫn con ra bến xe, dặn tài xế xe quen gửi con về đến tận bến, dặn trước người nhà ra đón. Năm con học lớp 9, anh cho con đi tàu một mình vào tận TP Hồ Chí Minh thăm người thân, cho con mang theo điện thoại di động để tiện bề liên lạc.
Anh nói: “Tôi “thả” con có tính toán. Trước khi “thả” tôi đã dạy con mọi hiểm nguy có thể xảy ra trên đường, cách ứng phó ra sao. Khi chắc rằng mình có thể yên tâm mới dám thả. Việc học hành cũng không phải sát sao từng chút một, mà cái chính là để con phải tự thấy điều này sẽ quyết định đến tương lai vì sẽ không ai “bao cấp” cho con mãi được”.
Những năm gần đây, có rất nhiều khóa dạy kỹ năng sống, các lớp học kỳ quân đội được mở ra không ngoài mục đích giúp con trẻ tự lập hơn trong cuộc sống. Nhiều phụ huynh nhận xét, đi về con có tiến bộ hơn, tự lập hơn… nhưng chỉ trong thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. Trong việc này, chính phụ huynh đã triệt tiêu ý thức tự lập mới hình thành của con bằng cách tiếp tục điệp khúc gọi con dậy đi học, nhắc nhở và làm giúp con mọi việc vì sợ con không đủ thời gian, sức khỏe để học tập.
Hiện là một giám đốc điều hành của một công ty nước ngoài chuyên về phần mềm máy tính tại TP Hồ Chí Minh, anh Lê Bá Kiên (40 tuổi), cho biết: “Khi tuyển nhân viên, chúng tôi chọn người có động cơ tốt, siêng năng, có tiềm năng để phát triển và quan trọng là luôn phải hướng về khách hàng, làm khách vừa lòng. Những yếu tố đó là sự tổng hợp, hình thành trong một quá trình giáo dục từ nhỏ đến lớn chứ không thể học trong ngày một ngày hai. Qua tìm hiểu, tôi thấy những bạn trẻ tự lập từ sớm thường năng động, sáng tạo, đề ra những ý tưởng hướng đến khách hàng cũng tốt hơn. Tôi nghĩ để con có sự khởi đầu tốt và thành công sau này, cha mẹ nên dạy cho con tính tự lập ngay từ nhỏ. Ngoài dạy cho con lễ nghĩa, đạo đức, cha mẹ nên tập cho con khả năng làm việc nhỏ và tự chăm sóc từ bản thân đến nhà cửa, đi chợ, sửa chữa những vật dụng đơn giản. Nếu được trải nghiệm từ nhỏ, khi lớn lên sẽ các bạn trẻ sẽ hình thành được những kỹ năng ứng dụng khác, xoay xở trong công việc tốt hơn những bạn vốn được coi cậu ấm cô chiêu”.
HOÀNG NHI
7 bước giúp con tự lập
1. Từ 2 - 3 tuổi, trẻ con thường thích bắt chước người lớn: Trẻ thích xỏ chân vào giày dép, thích tự lên xuống cầu thang, rót nước uống... đây là lúc thích hợp nhất để dạy trẻ làm việc, hãy tạo cơ hội cho trẻ thực hành!
2. Giao cho con những việc vừa sức mà bé thích, bày cho con cách làm: Chỉ cho con cách rửa mặt, đánh răng, cách xỏ giày dép, cách gài nút áo quần. Cần kiên nhẫn chờ đợi và hỗ trợ, đừng nóng ruột, đừng la mắng khi trẻ làm sai, làm hỏng, ngược lại, cần động viên trẻ. Bé sẽ quen dần và khéo léo tay chân!
3. Tạo điều kiện thuận lợi cho con làm việc: Bạn có thể cho con cái chổi quét nhà vừa tầm tay và bày con cách quét, bình tưới xinh xinh rồi cùng con tưới cây, áo quần rộng rãi để con tự mặc, chai đựng nước vừa tay để bé rót dễ dàng, tủ, kệ vòi nước nhỏ cho con tự tắm rửa.
4. đừng làm hộ những việc trẻ có thể làm lấy: Thường cha mẹ hay sốt ruột, cho rằng trẻ làm phí phạm, hư hỏng, mất thời gian và giành làm cho nhanh, nhưng có được tự làm, trẻ mới biết làm. Có hư hỏng lúc đầu sau mới có kinh nghiệm, mới khéo léo và mới có sáng kiến cải tiến công việc.
5. Đừng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ quá dễ dàng: Hãy để cho trẻ thiếu thốn một chút để trẻ tìm cách tự đáp ứng nhu cầu: đói - vào bếp; khát - rót nước uống; muốn đi chơi - học và làm xong việc đã định.
6. Yêu cầu của cha mẹ phải hợp lý, đúng lúc, nhẹ nhàng: Kịp thời khen ngợi cố gắng của con và không bao giờ dè bỉu, nhục mạ con cái.
7. Thường xuyên hỏi ý kiến con cái, cho con tham gia bàn bạc việc chung. Con cái chúng ta có được ra quyết định mới biết chịu trách nhiệm về quyết định đó.
T.H (Theo Tuổi Trẻ)