"Vui ít, lo nhiều"!
Trong 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh ngành du lịch cả nước có chiều hướng giảm sút về lượng khách, doanh thu thì ngành du lịch Bình Định lại đi theo chiều ngược lại. Số liệu thống kê cho thấy các chỉ tiêu quan trọng như khách trong nước, khách ngoài nước, doanh thu… đều tăng trưởng “nóng” từ 20% trở lên. Một con số quá ấn tượng cho một ngành kinh doanh dịch vụ của địa bàn “tỉnh lẻ”, còn nhiều mặt hạn chế trong bối cảnh kinh tế sút giảm, thị trường du lịch trong nước trầm lắng.
Một nhà báo nhiều năm theo dõi mảng du lịch cho biết, chưa năm nào mà các khách sạn, cơ sở lưu trú tại thành phố Quy Nhơn lâm vào cảnh cháy phòng nhiều như năm nay. Lượng khách du lịch tăng mạnh chính là nguyên nhân của tình trạng này. Khi lý giải nguyên do tại sao ngành du lịch cả nước giảm mà du lịch Bình Định lại tăng “nóng”, một lãnh đạo của ngành này cho biết bên cạnh những lợi thế riêng của Quy Nhơn, Bình Định như cảnh quan đẹp, nhiều điểm đến giá trị văn hóa lịch sử có sức hấp dẫn, môi trường thân thiện, con người hiền hòa, hiếu khách, thức ăn ngon và rẻ, không có nạn chặt chém… thì còn có lý do các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng đã trở nên nhàm chán với du khách nên Quy Nhơn là sự lựa chọn “thay thế” chứ chưa phải là “đích đến” của họ.
Với sự lý giải này, phần nào có thể thấy sự tăng trưởng của du lịch Bình Định như vừa qua vẫn chỉ là sự đột biến mang tính nhất thời chứ chưa thực sự là sự phát triển mang tính ổn định, lâu dài. Và có lẽ cũng chính vì thế mà ý kiến cho rằng “hiện tượng thường xuyên “cháy” phòng tại nhiều thời điểm trong năm chưa bao giờ xảy ra là dấu hiệu “vui ít, lo nhiều” của tỉnh khi chưa kịp thúc đẩy nền kinh tế này phát triển thì đã bị quá tải” của một vị lãnh đạo tỉnh là rất đáng quan tâm. Điều này lại càng có cơ sở khi theo đánh giá của Sở VH-TT&DL Bình Định, hiện nay chất lượng sản phẩm du lịch của tỉnh còn thiếu tính độc đáo, đặc sắc, cơ sở hạ tầng, cơ sở vất chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ khác chưa đầy đủ; thiếu khu, điểm du lịch quy mô lớn có tầm cỡ quốc tế và các khu vui chơi giải trí nên chưa thu hút được lượng khách du lịch đến Bình Định…
Như vậy, có thể nói rằng chuyện “vui ít, lo nhiều” của du lịch Bình Định là rất thực tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để du lịch Bình Định ngày một “thêm mừng, bớt lo” và đi vào quỹ đạo phát triển bền vững. Nghĩa là Bình Định phải nhanh chóng cải thiện tình hình, khắc phục các mặt hạn chế, bất cập cho sự phát triển của ngành du lịch để thực sự trở thành một “điểm đến” có sức hấp dẫn, quyến rũ đối với khách du lịch gần xa.
Từ tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch phong phú và giàu có của mình, Bình Định xác định định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Theo đó, tỉnh Bình Định đã tạo các cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư vào du lịch. Hiện nay, Bình Định đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó có một số dự án lớn như Dự án khu du lịch VinPearl Quy Nhơn có quy mô trên 656ha, vốn đầu tư trên 3.400 tỉ đồng; Dự án quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC tại Nhơn Lý có quy mô 300 ha, vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng. Việc thu hút đầu tư vào du lịch các thương hiệu khách sạn nổi tiếng trong và ngoài nước, xây dựng mới tổ hợp khách sạn kết hợp với trung tâm thương mại, kết hợp nghỉ dưỡng và tổ chức hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế cũng đang được đẩy mạnh… nhằm hướng đến mục tiêu thu hút 8-10 triệu lượt khách đến vào năm 2020.
Với định hướng rõ ràng, với quyết tâm cao cùng với các chuyển động tích cực từ một số dự án trọng điểm, hy vọng ngành “công nghiệp không khói” của Bình Định sẽ có bước phát triển mang tính “đột phá” và bền vững trong tương lai gần.
HẢI ÐĂNG