Chuồn bay, chuồn đậu mâm ăn nhà người
Cá chuồn muối thính chưng với thịt heo là món ăn, tôi thích, hồi còn nhỏ.
Cá chuồn hồi ấy rất rẻ, gần như là loại hải sản dành cho những gia đình, không được khá giả lắm. Như nhà tôi thủa đó hay nhà chú thím Tam hàng xóm, với gần chục con người ta, là dân Quảng Nam rặc ri và rất thích cá chuồn. Xóm tôi ở thuộc về khu Hai, sát cận với chợ Xổm và bữa nào chợ có cá chuồn thì y như rằng mâm ăn của gia đình chú thím Tam phải có ít nhất là một món cá chuồn. Bà nội tôi bảo cá chuồn nếu không hợp, ăn sinh ngứa, bởi đó, mẹ chẳng bao giờ dám mua thứ này. Mẹ bảo: Cá nhà giàu như cá thu, cá mú, cá cam, cá ong…thì chợ có đầy ra cũng bằng chịu chứ các thứ cá nhà nghèo như lồ ô, cá cơm, cá nục…thì tha hồ mà lựa chọn.
Nhìn mâm ăn nhà người, tôi sinh lòng ganh tị lại ỷ mình là đứa út ít quen được nuông chiều, nên tôi hay đòi mẹ mua cá chuồn. Rất ít ỏi trong những lần tôi yêu cầu bữa cơm ở nhà mới có món cá chuồn nướng lá chuối rồi rim mặm. Nghe tôi kể lại cách mẹ kho, thím Tam cười bảo kỹ rứa thì mất hết mùi vị, uổng dữ, rồi thêm, mà cá chuồn làm món chi lại không ngon, hỉ? Nói vậy, chứ tôi không hề thích cái món canh cá chuồn nấu mít non, nêm mắm cái có lá lốt mà nhà thím Tam rất ưa đâu nghen. Cho tới tận bây giờ với đôi khi, được ăn lại trong những bữa cơm của người ngoài nớ. Nhưng cũng cá cũng mít non cũng mắm cái lại rất đậm đà ở món kho. Và chắc bởi sự kết hợp hết sức hoàn hảo này mà dân gian mới có câu: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”.
Bọn trẻ lau nhau nhà tôi và nhà chú thím, rất ít khi được ba mẹ cho ăn nửa buổi bằng ly chè, chén xu xoa… nhưng cơm nguội thì thỏa thuê. Hai nhà sít kề nên bên này ăn cái gì bên kia nắm rõ và tôi, xê xế, thường kiếm cớ đi ăn chực nếu bên đó có cá chuồn kho mít non. Cơm nguội thì nhà tôi lỡ hết còn nhà chú thím và ngược lại nhưng, trẹt cá kho không biết mệ cất đâu hè! Mệ đây là kêu theo tiếng ngoài nớ và là má của chú Tam. Bà nội tôi đã khó, mà bà nội bọn trẻ nhà chú Tam còn khó gấp trăm vạn lần.
Tôi còn nhớ rất rõ, đám trẻ của hai nhà rất sợ hai cụ bà và thường, sau tiếng kêu “mệ” hoặc “nội” là một cái thè lưỡi cùng những bước lom khom. Càng lom khom thêm rón rén thêm trong những giấc xế khi rủ nhau ăn cơm nguội với cá chuồn kho mít non. Cái nòi ăn vụng chộp giựt vậy chứ mà ngon vô cùng. Và chắc, đó là lý do món ăn này được tôi ghi nhận rất kỹ. Hồi rộ cá chuồn, mệ với thím Tam rang thính giã và muối cả khạp. Cá chuồn muối chưng với thịt heo mà được ăn trong mùa lạnh, mặm mòi lắm kìa và tốn cơm thôi khỏi bàn cãi. Đó cũng là món khoái khẩu của tôi trong những mùa đông, thủa nhỏ.
Hồi chưa lập gia đình, tôi hay ra Đà Nẵng chơi và thường được gia đình cô bạn ngoài đó cho ăn cơm với cá chuồn. Phải công nhận là mấy người phụ nữ của gia đình cô bạn nấu ăn rất khéo và có vẻ, nấu tài tình hơn ở các món liên quan đến cá chuồn. Không vô mùa mít, họ nấu canh chua cá chuồn và còn lạ hơn nữa khi nấu canh khổ qua với cá chuồn. Rồi còn tỉ mẩn với cá chuồn nướng, cá chuồn chiên với củ nén, cá chuồn kho. Kho bình thường thì để cả con riêng chiên hoặc kho gập, lại phải rạch bụng phanh thân hình cá ra và gấp đôi lại. Tôi hay nhớ câu má của bạn nói: “Chưa trễ mô, kho gập cho thấm tháp con hỉ?”. Cũng qua người phụ nữ thật đảm đang này tôi mới biết có tới mấy loại cá chuồn. Nào là chuồn cồ, chuồn khơi, chuồn ốc mít, chuồn xanh. Trong tất cá chuồn xanh là số một.
Tôi giống như con cháu trong nhà nên cơm nước ngày bữa cũng bình thường, nhà ăn sao mình ăn vậy. Và phải hồi có khách quí kìa, gia đình bạn tôi mới làm món gỏi trứng cá chuồn để đãi. Món này công kỹ lắm và phải ý chỉ từng chút một. Ngoài nguyên liệu chính là trứng còn phải thêm tôm đã hấp chín lột vỏ, thịt ba chỉ luộc xắt mỏng, các loại rau thơm xắt nhỏ, đậu phộng rang giã dập rồi nước cốt chanh, hành phi, ớt đỏ tỉa hoa, một chén mắm pha chế thật ngon. Tất cả đều phải để riêng và chừng nào sắp ăn mới trộn đều. Ăn món đây mà thiếu mấy cái bánh tráng nướng là trật kiểu rồi. Bánh tráng bẻ ra và dùng chính nó xúc gỏi chứ chẳng cần đũa gắp mà chi. Đây là món đưa cay hết sức lý tưởng nên sao có thể thiếu rượu được chứ! Để coi. Nhấp một ngụm nhỏ, xúc một chút gỏi không quên cắn một miếng ớt. Cắn xíu xiu thôi nghen mà phải là ớt xanh, rất thơm và thật cay. Khi tất cả các hỗn hợp đã nằm trọn trong miệng, cứ thư thả mà nhai nuốt để cho hết thảy được thấm đẫm khi trộn hòa vào trong nhau và sộc dậy những hương cùng vị. Có thế, mới thấu chạm đến tận cùng của một món ngon như là gỏi trứng cá chuồn.
Ở Tam Quan có món cá chuồn nấu thơm rau răm, rất lạ. Lần đầu tôi được biết món này là khi theo bạn, về quê của cô ấy chơi và ngẫu nhiên được thưởng thức. Cách nấu hết sức đơn giản lại hợp khẩu vị với những người trong gia đình. Nên, bữa cơm ở nhà tôi cũng thường có món canh này. Cá chuồn vốn chắc thịt nên không hề bị ảnh hưởng khi nấu với thơm. Đó là chưa kể cái ngọt của trái cây kết hợp với cái ngọt của hải sản, làm tôn thêm cái ngọt của món ăn, đã vậy, lại được sự cộng hưởng của rau răm khiến cái ngon nơi món này thật là đặc biệt.
Sáng nay, đi chợ thấy cá chuồn mà hình dung đến cả bầy cá với hai vây dài bay là đà trên mặt nước, khi đang còn trên biển. Một niềm vui dung dị chợt đến khi thoáng hiện bữa cơm trưa, chiều nay. Mà ở đâu và nơi mâm ăn nhà người nào vậy hé!
NGUYỄN MỸ NỮ