Các khu tái định cư vùng triều cường Phù Mỹ: Niềm vui từ nơi ở mới
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Phù Mỹ đã bố trí, xây dựng các khu tái định cư vùng triều cường (sau đây viết tắt là KTĐC), đồng thời vận động nhân dân nhận đất, xây cất nhà cửa, di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Đến nay, các KTĐC ngày càng đông vui.
Một góc KTĐC xã Mỹ An.
Niềm vui an cư
Về KTĐC xã Mỹ Thọ (ở thôn Tân Phụng 1, xã Mỹ Thọ) vào một buổi chiều cuối tháng 7, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà khang trang mới được xây dựng, còn thơm mùi vôi vữa. Những cơn gió nồm thổi mát rượi, cuốn đi cái cảm giác khô khốc, nóng cháy trên chặng đường vừa đi qua.
Đang đưa từng viên gạch lên trên phụ chồng và mấy người thợ xây dựng ngôi nhà mới, chị Võ Thị Phụng, ở thôn Tân Phụng 2, cho biết: “Gia đình tui ở sát mép biển, mấy đời cha ông đều gắn bó ở đó cả, nhưng nay bà con mình dưới đó dọn lên đây sống hết trơn, nên mình cũng lên theo. Ở nơi đầu sóng ngọn gió mà sống một mình một cõi thì nguy hiểm lắm”. Anh Tâm, chồng chị Phụng, tiếp lời vợ: “Mình lên đây với hy vọng an cư, lạc nghiệp, con cái đi học thuận tiện, mình đi làm biển, vợ bán buôn thêm chút đỉnh cũng ổn định cuộc sống, lại khỏi lo mùa biển động”.
Gần đó là nhà bà Lê Thị Nga, đã xây dựng được vài năm, còn tươi màu ngói mới. Bà Nga tâm sự: “Lúc trước ở dưới đó gần biển, chưa kể mùa mưa bão không dám ở, mà mùa này dân cư đông đúc, nóng bức, ô nhiễm lắm. Lên đây phải nói là ổn định hơn chứ. Xe cộ chạy tới tận nhà, mát mẻ, sạch sẽ, phấn khởi lắm”.
Gia đình chị Thái Thị Hiền đã “an cư lạc nghiệp” ở KTĐC xã Mỹ Đức.
Tại KTĐC ở thôn Xuân Bình xã Mỹ An - một trong những KTĐC có tốc độ lấp đầy nhà ở hiệu quả nhất huyện - hiện có 201 hộ xây cất nhà, di dời đến và đã ổn định cuộc sống, 5 hộ nữa đang xây nhà. Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng rãi, mát mẻ, ông Nguyễn Ngọc Thơ, 75 tuổi, bộc bạch: “Gắn bó bao đời với nghề biển, chống chọi với mưa gió bão táp, nhưng sợ nhất là vào mùa biển động. Bao lần đóng cọc gia cố nhà cửa, bờ kè, không bao lâu con sóng lại cuốn đi hết trơn trọi, phải làm lại. Khổ nhất là những đêm mưa bão phải cõng mẹ, địu con chạy sóng”. Năm 1982, gia đình tui bỏ ra gần 2 cây vàng để xây dựng bờ kè kiên cố, nhưng cũng chỉ chịu đựng được chừng 5 - 6 năm rồi đâu lại vào đấy”.
Ông Thơ phấn khởi: “Giờ lên đây ở rộng rãi, thoáng mát, an cư rồi, bước ra khỏi cửa là thấy ngoài đường xe cộ chạy bon bon, lúc chợ búa, khi đau yếu, tiện lợi đủ điều”. Ông khẳng định “Tui già rồi, cũng không cần gì nữa, nhưng con cháu mình nó sống bớt khổ hơn, không còn lo sợ nguy hiểm tính mạng bên bờ sóng dữ”.
Đó cũng chính là tâm sự của chị Thái Thị Hiền, ở xã Mỹ Đức. Lúc trước gia đình chị ở gần đầm Trà Ổ, giao thông cách trở, nước lụt ngập nhà. Ngay từ khi KTĐC được xây dựng ở thôn Tân Phú, xã Mỹ Đức, gia đình chị là một trong những hộ đầu tiên đến nơi ở mới. “Mình thì làm ruộng có thóc ăn, trồng cỏ nuôi bò có dư; chồng thì đi biển, trời thương cũng khá, nhà cửa cũng tươm tất. Trước đây sống cảnh mép nước bên đầm khổ quá, mùa mưa lũ hiểm nguy cứ rình rập” - chị Hiền chia sẻ.
Còn bà Phan Thị Thế, 71 tuổi đang vui vẻ cùng mấy đứa cháu nội, phấn khởi nói, “Nếu không lên đây, chắc tui đã theo ông bà rồi chứ còn đâu”. Hỏi ra mới biết, bà bị mắc bệnh tim. Tại nơi ở cũ, mỗi lần bà phát bệnh là mấy người con và hàng xóm phải dùng võng khiêng ra đến đường lớn mới đón xe đi bệnh viện. Từ ngày lên nơi ở mới, mỗi khi bệnh thì có xe cứu thương đến tận nhà. “Kịp thời lắm, mà cũng nhờ trời nên lên chỗ ở mới tui ít phát bệnh hơn hẳn” - bà móm mém tâm sự.
Người dân thôn Tân Phụng 1 xã Mỹ Thọ sống bên mép sóng, vào mùa mưa bão rất nguy hiểm.
Vẫn còn những nỗi lo
Theo thống kê, huyện Phù Mỹ có 40 km chiều dài bờ biển, có những nơi bị xâm thực vào đất liền từ 1 đến 3 m mỗi năm; nhất là tại các thôn Tân Phụng 1, Tân Phụng 2 (xã Mỹ Thọ), Xuân Thạnh 1, Xuân Thạnh 2, Xuân Bình (xã Mỹ An), Phú Thứ, Phú Hà (xã Mỹ Đức), thôn 8 Đông, thôn 9 (xã Mỹ Thắng), với nhiều hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm cần được di dời.
Trên địa bàn huyện Phù Mỹ có 4 KTĐC vùng triều cường (Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Đức và Mỹ Thắng). Đến nay có 3 khu gần lấp đầy. Riêng khu TĐC Mỹ Thắng vì không giải phóng mặt bằng được, nên huyện đã đề nghị UBND tỉnh tạm thời dừng lại, chờ hoàn thành giải phóng mặt bằng mới tiếp tục thi công xây dựng hạ tầng.
Đến nay, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các KTĐC vùng triều Phù Mỹ hơn 46,3 tỉ đồng; bên cạnh vốn giải phóng mặt bằng của huyện, phần lớn nguồn vốn còn lại của Trung ương và tỉnh.
Thông tin của Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, theo quy hoạch ban đầu, toàn huyện có 646 hộ dân trong vùng nguy hiểm cần di dời, đã có 565 hộ được nhận đất và hiện tại đã có 351 hộ đến xây dựng nhà, sinh sống tại nơi ở mới. Hầu hết số hộ còn lại đang tiến hành xây dựng nhà tại các KTĐC.
Vừa qua, xã Mỹ An đã được Nhà nước hỗ trợ 29 tỉ đồng xây dựng giai đoạn 2 KTĐC diện tích 8 ha, dự kiến cho 250 hộ sinh sống. Theo ông Hồ Thanh Hiệp, Chủ tịch UBND xã Mỹ An: Đến nay xã đã hoàn thành xây dựng hạ tầng. Bà con cứ ngó chừng, hạ tầng làm xong thì kéo lên đây xây nhà mới. Công tác bình xét các hộ di dời phải nói là khó khăn nhất. Số người dân muốn di dời thì nhiều mà diện tích đất có hạn. Trước mắt chỉ ưu tiên cho những hộ ở vùng có nguy cơ cao nhất.
Ông Nguyễn Kim Trắc, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, cho biết: Hiện tại 6,3 ha đất ở KTĐC xã Mỹ Thọ đã có 68/182 hộ hoàn thành xây dựng nhà ở; nhiều hộ đang xây dựng. Sở dĩ một số bà con chưa xáp vô xây dựng nhà nơi ở mới vì thiếu kinh phí. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến các hộ vẫn đang chần chừ chưa muốn dời đi.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi trên bờ kè được đầu tư hàng chục triệu đồng tu sửa nhiều lần, dưới chân những con sóng vẫn xô ào ào bọt tung trắng xóa, cụ Lê Thị Hợi, 81 tuổi, ở thôn Tân Phụng 2, bộc bạch: “Mỗi khi có mưa bão thì sóng bay phủ đầu. Nửa đêm nửa hôm cũng phải lo chạy sóng. Lo bảo vệ tính mạng mình thôi chứ tài sản mang theo sao kịp. Giờ cũng muốn lên KTĐC, nhưng khổ nỗi mình thì già rồi làm gì có tiền mà di dời”. Rồi bà sụt sùi khóc!
Nhìn những con sóng xô đập, “ngoạm” những miếng rõ to vào bờ kè chắn sóng của các ngôi nhà, nước tung trắng xóa, đục ngầu ngay dưới chân, chúng tôi không khỏi lo sợ cho số phận những ngôi nhà này, và thấu hiểu nỗi lòng của bà cụ Hợi. Được biết hiện nay, mỗi hộ di dời đến KTĐC được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng. Nhưng với chừng đó tiền chỉ vận chuyển nhà cũ và đóng giếng, kéo điện, tìm nguồn nước sinh hoạt vẫn coi bộ chưa đủ, nói gì đến chuyện dựng xây nhà cửa.
Theo ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ: Thời gian tới, huyện và các xã tiếp tục làm kế hoạch, xét chọn đối tượng cần di dời, hỗ trợ chế độ kịp thời cho bà con. Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, khẩn trương giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là điện, đường, hệ thống thoát nước và nguồn nước sinh hoạt để bà con yên tâm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ trong diện di dời đã được cấp đất, giao đất khẩn trương xây dựng nhà, di dời đến KTĐC để ổn định cuộc sống. Mục tiêu của huyện là phấn đấu lấp đầy các KTĐC vùng triều cường trong thời gian sớm nhất.
Bài và ảnh: XUÂN LỘC - THANH TRỌN