CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN HOÀI ÂN LẦN THỨ XXIV (NK 2015-2020)
Đảng bộ huyện Hoài Ân: Lãnh đạo phát triển kinh tế hiệu quả
Dù là một huyện trung du, điều kiện phát triển mọi mặt còn nhiều khó khăn, nhưng trong 5 năm qua (2010-2015), nhân dân và cán bộ huyện Hoài Ân đã nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đạt nhiều kết quả quan trọng mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra, đặc biệt là trên lĩnh vực phát triển kinh tế.
Phát huy thế mạnh của vùng trung du, Hoài Ân đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng.
Đồng chí Hoàng Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII (NK 2010-2015), Huyện ủy đã đề ra nhiều chương trình hành động và chỉ thị để phát triển kinh tế như: Chương trình hành động “Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đọan 2011-2015”; Chương trình hành động “Về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp giai đoạn 2011-2015”; Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng trên địa bàn”; Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”. Các ngành, các địa phương của huyện cũng đề ra nhiều biện pháp để thực hiện các chủ trương trên như: khai thác hiệu quả các cơ sở sản xuất hiện có, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu, thị trường và lao động, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất.
Kết quả, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng của huyện 5 năm qua phát triển tích cực với giá trị sản xuất đến năm 2015 đạt trên 185 tỉ đồng, tăng 8,1% so với nghị quyết. Hiện nay huyện đã có 3 cụm công nghiệp đi vào hoạt động và đang tập trung khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống như: Chè Gò Loi (Ân Tường Tây), trồng dâu nuôi tằm (Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây), chằm nón (Ân Tín), đan đát (Ân Đức); kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển thương mại, dịch vụ.
Phát huy thế mạnh của địa phương trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, Huyện ủy Hoài Ân đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giá trị sản xuất hàng năm tăng 8,8%, tăng 1,2% so với nghị quyết. Đối với cây lúa, bà con nông dân đã ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất, nên năng suất năm 2015 đạt 64,7 tạ/ha, tăng 12,8 tạ/ha so năm 2010.
Huyện Hoài Ân khôi phục nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm.
Bên cạnh đó, kinh tế trang trại, gia trại, vườn đồi, vườn rừng của huyện cũng tiếp tục phát triển mạnh với 30 trang trại và trên 2.500 gia trại. Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi heo được đầu tư công nghệ cao, mở rộng quy mô, nên sản lượng thịt xuất chuồng tăng hàng năm. Năm 2015 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện đạt trên 325 tỉ đồng, tăng 91% so năm 2010, tăng 19,5% so nghị quyết và chiếm gần 66,7% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; sản lượng thủy sản khai thác đạt 370 tấn, tăng 5,7% so nghị quyết.
Kinh tế rừng cũng là một trong những lĩnh vực cho nguồn thu nhập chiếm tỉ trọng cao trong tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện, với giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm gần 30%. Đến nay toàn bộ diện tích rừng của huyện đã được giao khoán cho nhân dân và các doanh nghiệp bảo vệ, sản xuất. Các dự án trồng rừng WB3, KFW6, JICA2… đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện các chương trình hành động của Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nên trong 5 năm qua, kinh tế của huyện Hoài Ân tiếp tục tăng trưởng khá, mức tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 12%/năm. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỉ trọng nông, lâm nghiệp. Năm 2015, thu nhập bình quân của người dân Hoài Ân đạt 23,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng so với nghị quyết.
VĂN HÙNG
Từ năm 2010 đến nay, huyện Hoài Ân đã nỗ lực huy động vốn (trên 1.719 tỉ đồng) để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 263 công trình hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Một số công trình trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội XXIII Đảng bộ huyện đề ra được triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả là:
- Nâng cấp hồ An Đôn (Ân Phong), hồ Thạch Khê (Ân Tường Đông), hồ Hóc Mỹ (Ân Hữu), đảm bảo nước tưới chủ động trên 90% diện tích canh tác.
- Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT 630 đoạn ngã tư Gò Cau - dốc Truông Sỏi (thị trấn Tăng Bạt Hổ), cổng chào huyện - cầu Mục Kiến (Ân Đức), tuyến đường Ân Phong - Ân Tường Đông, Ân Tín - Ân Hảo Tây, và một số cây cầu quan trọng khác.
- Mở rộng các tuyến đường chính của thị trấn Tăng Bạt Hổ; nâng cấp vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, xây dựng Quảng trường và khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ.
- Đầu tư nâng cấp hệ thống điện lưới quốc gia trên địa bàn, hiện có 100% số xã, thôn và 99% số hộ được sử dụng điện.
Ông Hồ Quang Khả, nguyên cán bộ tuyên giáo Huyện ủy: “Trong nhiệm kỳ qua, tôi thấy tập thể Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đoàn kết rất cao trong chỉ đạo, điều hành và đã đạt nhiều kết quả về mọi mặt. Điều mà nhân dân và cán bộ chúng tôi tâm đắc nhất là kết quả trên lĩnh vực đầu tư cho phát triển KT-XH. Ngoài việc phát huy nội lực, thì lãnh đạo huyện đã tranh thủ được vốn của nhà nước, nguồn vốn tài trợ rất lớn của các doanh nghiệp để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, chỉnh trang thị trấn Tăng Bạt Hổ, các công trình lịch sử, văn hóa, làm cho bộ mặt của huyện thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân khá hơn nhiều.
Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là tại Đại hội XXIV Đảng bộ huyện, các đại biểu sáng suốt lựa chọn, bầu những người có đức, có tài, có tâm huyết vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương”.