Lặng người theo tiếng hát…
Nhà tôi ở ngoài mặt tiền hẳn hoi. Nhà có số, đường có tên nhưng nhiều khi tôi nghĩ vùng mình đang sống không phải là thành phố. Có thể, do cách sống của những gia đình quanh đây. Hồi trước, đất này mênh mông nước. Cư dân sống theo đầm, ghe sõng… nên mang đậm nét dân biển: thô ráp, hỗn tạp, xô bồ trong lời ăn tiếng nói, cách hành xử.
Vài năm đầu sống ở đây, chúng tôi cảm thấy không thoải mái một chút nào và không hiếm lần, muốn bán nhà đi chỗ khác. Nhưng, sống thêm, gần gụi thêm lại thấy thích những con người như vậy. Thích cách sống chân tình chứ không lắm những đãi bôi, hình thức. Thêm nữa, họ cũng bị ảnh hưởng chút đỉnh từ chúng tôi nên biết giữ vệ sinh chung, bớt gây lộn, đánh đấm… Nhưng, vì là “chút đỉnh” nên vẫn còn vô vàn những rầy rà.
Hát karaoke, một trong những thứ mà chúng tôi chịu đựng khi sống ở đây lại là cách giải trí được tất cả mọi người mê. Bữa nay, một cái dàn máy hát karaoke nào có bao lăm nên nhà nhà cùng sắm và tất nhiên, nhà nhà cùng hát. Hát những dịp vui của gia đình, không nói gì. Nhưng lại hát bất kể. Các quý ông khu này có thói quen là chiều nào cũng phải tụ họp chỗ bia ca, rượu đế… Nhưng, thời gian gần đây, do kinh tế khó khăn, họ dời về nhà. Có bia rượu và đùm túm, họ phấn chấn mở loa to hơn, mặc mọi người inh tai và nhức óc.
Có một người cùng chia sẻ cái sự ngán, ớn ấy với vợ chồng tôi. Đó chính là chú Nhân, nhà ở cách nhà tôi mấy căn. Chú hiền, ít nói, ghét va chạm và trên tất cả, rất ghét những giọng hát thuộc hàng “độc đáo” ở quanh đây. Đi ngang nhà, giữa khi, những giọng hát ồ ập chen chúc nhau, chú thường đưa mắt cười cười với chúng tôi như một cách chia sẻ.
Thi thoảng, có đề cập tới chuyện này cả chú lẫn vợ chồng tôi đều chậc lưỡi. Thôi! Ráng chịu đựng nhau một chút. Vì nghĩ chòm xóm mình đều là những người nghèo khổ. Họ chỉ có một cách giải trí duy nhất là karaoke, sao nỡ? Chính vì bị tra tấn thường xuyên nên chúng tôi nhất quyết không đụng đến loại hình văn nghệ này và chú, dường như cũng vậy.
Rồi thím bị nhũn não, hôn mê và qua đời. Sau khi người bạn đời ra đi, ngày nào chú cũng ôm micro ngồi đối diện với màn hình và hát. Chú hát say sưa và chỉ ngưng vào những bữa điện cúp. Thật tội cho chú vì phải tìm đến một hình thức giải sầu mà mình vốn ghét. Và, cũng tội cho khu phố này vì chú hát dở quá, dở nhất trong những người hát dở ở đây. Riết rồi mọi người cũng quen. Ngày nào không nghe chú ê a lại thắc mắc. Như quen, tắt vội dàn máy nhà mình khi dàn máy nhà chú được bật lên. Và, nếu như rất nhiều giọng hát karaoke ở đây bị phản đối ngấm ngầm thì chỉ có riêng một mình chú, được hết thảy mọi người chấp nhận.
Giữa khi mình cần yên tĩnh để tập trung làm việc, giọng hát chú cắt ngang mọi cảm hứng, làm đứt vụn mọi ý tưởng, nghĩ suy. Rồi mưa, cơn mưa trái mùa. Tôi bật ngọn đèn bàn và trước khi tắt máy, đọc lại những dòng chữ của mình. Cảm ra những dòng chữ như nhuốm mưa, nhuốm giọng hát chú, lắt lay buồn. Cũng nhận ra, con phố vốn rất hỗn tạp và thân thiết của mình, như cũng thắt thẻo theo tiếng hát của một người đàn ông vừa mất vợ…
HUYỀN MINH