Về việc KCN Hòa Hội (huyện Phù Cát) bị “rút ruột” vì nạn khai thác đất, cát trái phép:
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tình trạng khai thác đất, cát trái phép trong Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Hội ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) đang diễn ra công khai. Trong khi UBND xã Cát Hanh - thẳng thắn thừa nhận “bó tay” trong việc ngăn chặn, xử lý, thì các cơ quan quản lý có liên quan từ tỉnh đến huyện lại “đá quả bóng trách nhiệm” cho nhau (!).
Báo Bình Định số ra 30.7.2015 trên trang Bạn đọc và Tòa soạn có đăng bài viết: “KCN Hòa Hội (huyện Phù Cát): Đang bị “rút ruột” vì nạn khai thác đất, cát trái phép”, phản ánh tình trạng, KCN Hòa Hội do thiếu người quản lý, trông coi, nhiều đối tượng ngang nhiên đưa xe đào vào KCN khai thác đất, cát trái phép. Tình trạng này diễn ra công khai, thường xuyên, nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm, gây thất thoát tài nguyên.
Cảnh khai thác cát trái phép tại phía Nam KCN Hòa Hội.
Ngày 31.7, chúng tôi đến Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh gặp ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh. Sau khi nghe phản ánh về hiện trạng tài nguyên trong KCN Hòa Hội đang bị “rút ruột”, ông Toàn nói: “Chúng tôi đang trong quá trình điều động tổ chức, phân công cán bộ, chờ phân công lại rồi sẽ nắm lại, có gì sẽ thông báo sau (!). Tuy nhiên, cái này - KCN Hòa Hội không phải do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, mà UBND huyện Phù Cát mới là đơn vị trực tiếp triển khai và do UBND huyện Phù Cát quản lý”.
PV tiếp tục làm việc với ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát. Qua trao đổi, ông Anh quả quyết: “Địa phương chỉ có trách nhiệm quản lý về mặt Nhà nước. Đất ở KCN Hòa Hội UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh thì đơn vị này phải có trách nhiệm quản lý. Trường hợp Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh có văn bản yêu cầu địa phương phối hợp thực hiện trong công tác quản lý hoặc về công tác kiểm tra, xử lý thì địa phương sẽ hỗ trợ; trường hợp vi phạm nào được phát hiện nằm trong quyền hạn của huyện thì chúng tôi sẽ làm tích cực, đúng theo quy định pháp luật”.
Từ hai cách giải thích trên có thể thấy dường như trách nhiệm quản lý KCN này đang bị… treo. Thiết nghĩ, để hạn chế tiến tới ngăn chặn dứt điểm tình trạng thất thoát nguồn tài nguyên tại KCN Hòa Hội, chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan của huyện, tỉnh cần ngồi lại để cùng nhau “tìm tiếng nói chung” về công tác quản lý, cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý rốt ráo tình trạng nêu trên; tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”.
TRỌNG LỢI
KCN Hòa Hội do Công ty cổ phần Hòa Hội làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 8.2009 với tổng diện tích đất quy hoạch 265 ha; tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 440 tỉ đồng. Theo phương án được duyệt, thì tháng 9.2011, KCN Hòa Hội hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I và tháng 12.2013 hoàn thành các hạng mục còn lại. Nhưng, do Công ty cổ phần Hòa Hội không đủ năng lực tài chính để thi công, nên đến tháng 4.2011, UBND tỉnh đã có văn bản đình chỉ đối với Công ty này; giao Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh chọn nhà đầu tư khác.