Tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa thôn: Cần thực hiện tốt quy chế quản lý
Thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), xây dựng nông thôn mới, ngày càng có nhiều Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang ở các địa phương. Để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa này, UBND tỉnh vừa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, làng trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức nhiều hoạt động
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ xã hội hóa của người dân, những năm qua đã có hàng trăm Nhà văn hóa thôn ở tỉnh ta được xây dựng mới, hoặc cải tạo, nâng cấp trên diện tích đất rộng rãi, cơ sở vật chất khang trang. Tiêu biểu trong số này phải kể đến các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước… đã và đang quan tâm đầu tư xây dựng nhiều Nhà văn hóa thôn với kinh phí đầu tư “nhà nước và nhân dân cùng làm” từ vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng. Cùng với niềm vui có được những Nhà văn hóa thôn to, đẹp, thực tế còn đặt ra những băn khoăn phải làm sao để các thiết chế văn hóa này có “sức sống” gắn liền với nhu cầu thực tế của người dân, đồng thời phục vụ thiết thực cho việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Nhà văn hóa thôn Thiện Đức Đông, xã Hoài Hương.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, làng trên địa bàn tỉnh đã có những quy định: “Nhà văn hóa thôn là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng- an ninh… Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng, các cuộc giao lưu, liên hoan, đám cưới, sinh nhật, mừng thọ, gặp mặt, nói chuyện chuyên đề; tổ chức các hoạt động của các loại hình câu lạc bộ, nhóm sở thích và các hoạt động vui chơi giải trí khác cho nhân dân…”.
Quy chế đã có những quy định “mở” để tạo điều kiện cho các Nhà văn hóa có được nguồn thu cho kinh phí hoạt động từ việc khai thác các dịch vụ cho thuê địa điểm tổ chức sinh nhật, đám cưới, sự kiện, hoạt động truyền thông; dịch vụ trông giữ xe qua đêm, các hoạt động thể dục dưỡng sinh, thể dục thẩm mỹ…, để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Nhà văn hóa và thực hiện các việc thu, chi các dịch vụ theo quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Tạo nguồn thu cho Nhà văn hóa không phải muốn làm gì thì làm, mà việc quyết định khai thác hoặc không khai thác các danh mục dịch vụ trên phải được bàn bạc công khai, dân chủ, thống nhất trong nhân dân. Các hoạt động dịch vụ chỉ được quyết định tổ chức thực hiện, nếu có 2/3 trở lên tổng số hộ đại biểu hộ gia đình trong thôn biểu quyết nhất trí. Đồng thời nội dung các hoạt động tại Nhà văn hóa phải lành mạnh, đúng quy định của nhà nước…”.
Nâng cao trách nhiệm quản lý
Để Nhà văn hóa thôn được tổ chức hoạt động hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất là phải được điều hành của những người trách nhiệm, nhiệt tình và có chuyên môn. Quy chế đã có quy định cụ thể về “Ban Chủ nhiệm” Nhà văn hóa thôn phải có từ 3 - 5 thành viên, gồm các thành phần: Trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh, Bí thư chi Đoàn thanh niên, Chi hội trưởng Hội phụ nữ hoặc Hội nông dân. Các thành viên Ban chủ nhiệm do Trưởng thôn tổ chức bầu chọn và được Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận. “Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn hoạt động theo nguyên tắc kiêm nhiệm, tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách, quản lý, sử dụng các nguồn lực huy động đảm bảo công khai dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Quy chế càng chặt chẽ hơn để tránh tình trạng “bầu cho có” rồi sau đó đùn đẩy trách nhiệm, nên đã phân công nhiệm vụ của Ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động hằng năm, ngắn hạn, dài hạn trình Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt và tổ chức thực hiện. Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn nếu có hoạt động đột xuất không có trong chương trình hằng năm, thì phải báo cáo xin ý kiến UBND cấp xã trước 3 ngày. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, công khai trước nhân dân với UBND cấp xã và cơ quan quản lý cấp trên về hoạt động của Nhà văn hóa theo định 6 tháng, 1 năm.
Quy chế đã có cụ thể, nhưng muốn phát huy hiệu quả trong đời sống thực tế phù hợp với từng địa phương, thì cần được triển khai một cách nghiêm túc, phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác các dịch vụ và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn kinh phí của Nhà văn hóa đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật và các quy định của địa phương. Ban chủ nhiệm phải có những hình thức linh hoạt để vận động nhân dân trong thôn tham gia sinh hoạt, bảo quản, đóng góp công sức, kinh phí để mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà văn hóa thôn…
HOÀI THU