Bùi ngùi trước mộ Nguyễn Diêu
Hiện nay, Sở VH-TT&DL đang xúc tiến các thủ tục đề nghị Nhà nước xếp hạng di tích mộ Nguyễn Diêu (tại thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn) nhưng dường như ngôi mộ đã đi vào quên lãng trong tiềm thức mọi người.
Mộ cụ Nguyễn Diêu nằm trên một gò đất nhỏ cạnh trường Tiểu học Số 1 Phước Sơn, xung quanh là đồng ruộng. Mặc dù đã xây được cầu bắt qua con mương dẫn đến ngôi mộ, nhưng người đến viếng mộ cụ Nguyễn Diêu còn phải băng qua bờ ruộng hẹp. Nhìn từ xa không thể nào trông thấy được ngôi mộ, bởi lẽ đã bị cỏ dại mọc um tùm cao quá đầu người vây kín bốn phía, kể cả phía trước mặt văn bia. Đặc biệt, một phần bia đã bị nứt gãy, lộ rõ mặt đá bên trong. Khách có dịp ghé thăm mộ cụ, chắc hẳn sẽ không khỏi chạnh lòng cho một nghệ sĩ tài cao, người thầy của “hậu tổ” tuồng Đào Tấn.
Cỏ dại mọc um tùm vây kín ngôi mộ cụ Nguyễn Diêu.
Điều đáng tiếc là mộ cụ Nguyễn Diêu nằm ở xóm 67, thôn Kỳ Sơn nhưng khi đến Kỳ Sơn hỏi thăm thì không ít người ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe đến mộ cụ ở đâu. Chỉ một vài cụ cao niên trong thôn là còn nhớ mang máng chứ không biết được địa điểm chính xác của ngôi mộ. Hầu hết những người trẻ, thanh niên, thậm chí là các bậc trung niên cũng hiếm người biết về ngôi mộ cũng như cuộc đời của ông Tú Nhơn Ân - người thầy của Đào Tấn. Về sáng tác, ông để lại cho đời không nhiều tác phẩm nhưng với các vở như Tiết Giao đoạt ngọc, Ngũ Hổ bình tây và Liệu đố đã đủ để cho lịch sử nghệ thuật sân khấu nước nhà không thể quên ông.
“Hậu thế sẽ đối xử với người hôm nay bằng chính cái cách mà người hôm nay ứng xử với tiền nhân”. Hy vọng trong khi còn đang chờ đợi sự đồng ý của Nhà nước về việc đề nghị công nhận di tích mộ Nguyễn Diêu, thì các chính quyền, cơ quan chức năng cần quan tâm chăm sóc và tôn tạo ngôi mộ. Đó cũng là cách ghi ơn tiền nhân và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ở địa phương.
THANH HÂN