Hai “nút thắt” trong khám chữa bệnh YHCT
Giữa lúc nhu cầu của người bệnh ngày càng tăng cao, các cơ sở y tế lại đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT).
Theo thống kê của ngành Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 5.279 lượt bệnh nhân điều trị YHCT nội trú, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, có đến 15.147 lượt điều trị ngoại trú, tăng 137% so với cùng kỳ.
Giá thuốc YHCT tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT.
Thiếu hụt nhân lực
Theo thông tin tại Hội nghị Giao ban tuyến về công tác YHCT 6 tháng đầu năm, triển khai hoạt động thời gian còn lại của năm 2015 (tổ chức ngày 3.8), toàn tỉnh hiện có 289 cán bộ chuyên khoa YHCT công tác tại 15 cơ sở khám chữa bệnh, với 335 giường bệnh nội trú. Như vậy, tỉ lệ cán bộ công tác YHCT/giường bệnh là 0,86, tăng 0,09 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn quy định của Bộ Y tế 0,04 người/giường bệnh.
Chi phí trung bình của mỗi bệnh án Đông y ra viện tại Trung tâm là 1,6-1,8 triệu đồng, trong khi với Tây y chỉ ở mức 500-700 ngàn đồng
Ông TRƯƠNG ĐỀ - Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn
Đáng chú ý, đến nay vẫn còn 3 cơ sở điều trị vẫn “trắng” về bác sĩ YHCT. Đó là TTYT tại các huyện: Tuy Phước, Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Phó Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh Nguyễn Thị Cường cho hay, trong điều kiện chưa có bác sĩ chuyên khoa, nhân lực trên lĩnh vực YHCT hầu hết là y sĩ định hướng YHCT, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. “Chưa hết, toàn huyện còn 5/9 trạm y tế xã, thị trấn chưa có cán bộ đào tạo định hướng YHCT. Vì vậy, chưa thể triển khai được công tác khám chữa bệnh bằng YHCT ở những xã này”, bác sĩ Cường thông tin.
Ngay cả một đơn vị tuyến đầu như BVĐK tỉnh cũng “căng thẳng” với bài toán nhân lực YHCT. “Nhân lực YHCT mỏng, thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn sâu”, Trưởng khoa YHCT Lê Thị Thu Hà đúc kết. Cụ thể, trong số 15 cán bộ nhân viên của khoa, chỉ có 3 bác sĩ, 3 y sĩ chuyên ngành YHCT, còn lại là 7 điều dưỡng, 1 dược sĩ trung cấp và 1 hộ lý. Lương y không có nên phải thay thế bằng 1 y sĩ, 1 dược sĩ chuyên trách tổ đông dược để vừa bảo quản thuốc, vừa kê đơn bốc thuốc (!).
“Dội” phí điều trị
Bên cạnh sự thiếu hụt nhân lực, giá thuốc YHCT tăng cao trong những năm gần đây cũng là một khó khăn cho việc phát triển khám chữa bệnh YHCT ở các cơ sở điều trị. Giá thuốc tăng “đẩy” chi phí điều trị lên, làm bệnh nhân phần nào so đo, e ngại với YHCT. Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn Trương Đề cho biết, chi phí trung bình của mỗi bệnh án Đông y ra viện tại Trung tâm là 1,6-1,8 triệu đồng, trong khi với Tây y chỉ ở mức 500-700 ngàn đồng.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Võ Ngọc Phải, phối hợp giữa YHCT và phục hồi chức năng là sự bổ sung hoàn chỉnh cho việc điều trị các bệnh lý mãn tính và kéo dài. Tuy nhiên, nhiều cơ sở điều trị trong tỉnh vẫn chưa triển khai được phục hồi chức năng phối hợp YHCT, chủ yếu do thiếu nhân lực và trang thiết bị.
“Giá dược liệu cao dẫn đến một số đơn vị hạn chế sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh bằng YHCT, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, quyền lợi khám chữa bệnh YHCT của người bệnh”, Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh Đỗ Trí Đức thẳng thắn nhìn nhận.
Trong khi đó, nguồn thuốc Nam ở các địa phương chưa thể đưa vào sử dụng điều trị vì còn vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế. Đây là một sự lãng phí, bởi tỉnh ta được xem là nơi có nguồn dược liệu dân gian dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại. “Chúng tôi rất mong sự giúp đỡ của Bệnh viện YHCT tỉnh trong việc xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với nguồn thuốc Đông y hiện có ở địa phương”, bác sĩ Nguyễn Thị Cường bày tỏ.
Để tháo gỡ phần nào khó khăn trước việc giá thuốc tăng cao, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Trương đã yêu cầu Bệnh viện YHCT tỉnh khẩn trương tham mưu Sở ban hành phác đồ điều trị tạm thời đối với các bệnh nằm trong danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế nhưng chưa có phác đồ của Bộ Y tế.
NGUYỄN VĂN TRANG