Vụ Công ty Minh Hậu khiếu nại UBND xã Phước Mỹ:
Cần giải quyết thấu tình đạt lý
Ông Hồ Ðức Minh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hậu (Công ty Minh Hậu - 162 Ðống Ða, TP Quy Nhơn) gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng của tỉnh, cho rằng việc UBND xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) thu hồi 112,8 ha rừng trồng của Công ty để bán cho nhiều cá nhân là trái quy định, vượt thẩm quyền về quản lý đất đai. Thực hư vụ việc như thế nào, sau đây là những thông tin mà phóng viên Báo Bình Ðịnh thu thập được.
Nguồn gốc rừng
Theo trình bày của ông Hồ Đức Minh: Diện tích 112,8 ha rừng mà UBND xã Phước Mỹ thu của Công ty Minh Hậu thuộc Dự án trồng rừng kinh tế chuyên canh nguyên liệu giấy do Công ty Phát triển kinh tế thanh niên xung phong (PTKT TNXP) Bình Định (đã giải thể) thực hiện vào năm 1994, 1995 (gọi tắt là rừng trồng 94-95). Do Công ty PTKT TNXP Bình Định bị phá sản nên ngày 19.6.2001, UBND tỉnh có Công văn số 1120/UB-TC (CV 1120) yêu cầu Công ty bàn giao rừng trồng 94-95 cho Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và Phát triển Bình Định (BIDV Bình Định) quản lý, khai thác để thu hồi nợ vay trong thời hạn 4 năm, kể từ năm 2001.
Ngày 2.7.2001, UBND tỉnh có Văn bản số 1253/UB-TC đồng ý cho BIDV Bình Định bàn giao cho ông Nguyễn Bộ Sơn (thời điểm đó trú tại 207 Biên Cương, TP Quy Nhơn) nhận lại rừng trồng 94-95 để quản lý, chăm sóc, khai thác và trả nợ vay ngân hàng theo thời hạn đã quy định tại CV 1120. Ngày 30.7.2001, BIDV Bình Định và ông Nguyễn Bộ Sơn lập hợp đồng nhận nợ với số tiền ông Sơn phải trả cho ngân hàng là trên 660 triệu đồng.
Tháng 1.2005, BIDV Bình Định gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho đơn vị quản lý, khai thác rừng trồng 94-95 để thu hồi vốn vay. Ngày 14.4.2005, UBND tỉnh có Văn bản số 849/UB-TH đồng ý với đề nghị của BIDV Bình Định. Ngày 31.8.2005, Sở TNMT tỉnh ban hành Văn bản số 2379/STN&MT - QLĐĐ với nội dung Nhà nước sẽ thu hồi, giao diện tích đất chưa trồng rừng cho địa phương quản lý; diện tích có rừng sẽ tiếp tục cho BIDV Bình Định thuê để tiếp tục khai thác bạch đàn đã trồng.
Ngày 16.12.2005, BIDV Bình Định gửi Công văn số 1983/CV-BIDV thông báo cho ông Nguyễn Bộ Sơn biết UBND tỉnh đã đồng ý cho ngân hàng tiếp tục được thuê 150,4 ha (trừ đi 30,5 ha UBND tỉnh đồng ý cho Bộ Tư lệnh công binh xây dựng khu xử lý bom đạn) đất rừng trồng 94-95 với thời hạn 16 năm. Đồng thời, BIDV Bình Định đề nghị ông Sơn trả dứt điểm khoản nợ vay 188 triệu đồng cho ngân hàng trong tháng 12.2005.
Tuy đã có chủ trương của UBND tỉnh và ngành chức năng nhưng BIDV Bình Định và ông Sơn chưa làm các thủ tục thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 24.11.2006, ông Sơn nhận tiền cọc của Công ty Minh Hậu, đồng ý bán quyền sử dụng 112,8 ha rừng trồng 94-95 tại xã Phước Mỹ cho đơn vị này. Đến ngày 12.10.2009, hợp đồng mua bán giữa ông Sơn và Công ty Minh Hậu chính thức được xác lập; số tiền mua bán diện tích rừng nói trên là 1,270 tỉ đồng (thời gian thuê đất còn lại theo chủ trương của UBND tỉnh là 12 năm).
Phát sinh khiếu nại
Ngày 4.5.2010, Công ty Minh Hậu gửi văn bản cho UBND tỉnh đề nghị được tiếp tục thuê diện tích 112,8 ha đất trồng rừng tại xã Phước Mỹ. Sau đó, đơn vị này nộp hồ sơ tới UBND xã Phước Mỹ đề nghị địa phương xác nhận nguồn gốc và diện tích đất.
Ngày 8.7.2011, UBND xã Phước Mỹ có Thông báo số 11/TB-UBND gửi ông Hồ Đức Minh với nội dung diện tích đất rừng TNXP tại xã Phước Mỹ đã hết hạn giao đất, hiện xã đang trình cấp có thẩm quyền xem xét thu hồi giao cho địa phương quản lý theo nội dung CV 1120. Do đó, UBND xã không có cơ sở giải quyết việc Công ty Minh Hậu xin được thuê đất trồng rừng.
Cũng trong ngày 8.7.2011, UBND xã Phước Mỹ còn có thông báo đề nghị Công ty Minh Hậu khai thác dứt điểm số cây còn lại, dọn ranh, đốt thực bì; đồng thời giao trả lại đất cho Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật. UBND xã đề nghị ông Minh không được cuốc hố, trồng mới trên diện tích đất rừng TNXP vì hiện diện tích này xã đã trình cấp thẩm quyền thu hồi giao địa phương quản lý.
Ông Hồ Đức Minh bức xúc: “Đến ngày 20.12.2011, UBND tỉnh mới ban hành quyết định thu hồi đất đã giao cho Công ty PTKT TNXP. Vậy thì vào tháng 7.2011, UBND xã Phước Mỹ căn cứ vào quyết định nào và thẩm quyền gì mà ra thông báo đề nghị Công ty tôi giao trả lại đất cho Nhà nước quản lý. Đặc biệt, lãnh đạo xã cho người chặt toàn bộ cây Công ty tôi đã trồng để trồng cây mới vào với lý do đã hết thời hạn sử dụng nên có quyền …chặt phá. UBND xã Phước Mỹ đã “cầm đèn chạy trước ô tô” một cách khó hiểu”.
Về vấn đề này, ông Cao Minh Thi, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, giải thích: “Căn cứ vào CV 1120 và biên bản hòa giải thành giữa ông Sơn và Công ty Minh Hậu vào ngày 10.10.2009 (Công ty Minh Hậu khai thác và trả lại 112,8 ha đất cho Nhà nước quản lý từ ngày 14.10.2009 đến 30.6.2010) thì diện tích này đã hết thời hạn giao đất. Việc xã đề nghị thu hồi đất và giao diện tích đất rừng TNXP cho người dân địa phương là chấp hành theo chỉ đạo của UBND TP Quy Nhơn, UBND tỉnh chứ hoàn toàn không có việc vượt thẩm quyền, sai quy định như ông Minh phản ảnh.
Không đồng ý với lý giải này, ông Minh nêu ý kiến: “Trước khi UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất, Công ty chúng tôi đã trồng keo và bạch đàn tại diện tích nhận chuyển nhượng của ông Sơn, việc này được Thanh tra Sở TNMT ghi nhận tại biên bản làm việc vào ngày 26.7.2011. Do đó, nếu ngành chức năng thu hồi đất thì phải có phương án bồi thường thiệt hại về tài sản cho Công ty chúng tôi”.
Trong khi đó, ông Đỗ Nguyên Đính, cán bộ địa chính xã Phước Mỹ, khẳng định: “Các văn bản do UBND tỉnh, Sở TNMT ban hành vào năm 2005 chỉ áp dụng cho BIDV Bình Định chứ không liên quan gì đến Công ty Minh Hậu. Còn ghi nhận của Thanh tra Sở TNMT về việc Công ty Minh Hậu có trồng keo, bạch đàn là do 2 bên tự làm chứ địa phương hoàn toàn không biết. Thực tế, Công ty Minh Hậu đã khai thác hết số keo, bạch đàn trên diện tích 112,8 ha nhận chuyển nhượng của ông Sơn và không hề trồng mới cây trên đó”.
Sự trái chiều từ thắc mắc của ông Hồ Đức Minh và phúc đáp của UBND xã Phước Mỹ, hy vọng rằng, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các cấp xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc để đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.
VĂN LỰC