Vĩnh Thạnh phát triển phong trào trồng rừng
Trong vài năm trở lại đây, nhờ chú trọng phát triển kinh tế rừng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh từng bước được cải thiện, nâng cao. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Vĩnh Thạnh có hơn 47.850ha diện tích đất có rừng, tài nguyên rừng rất phong phú, nên bên cạnh việc phát triển sản xuất lúa nước để đảm bảo lương thực tại chỗ, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là trồng cây keo lai trên diện tích đất gò đồi, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất lâm nghiệp của huyện đạt gần 38 tỉ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ và đạt 58,9% kế hoạch cả năm.
Khai thác gỗ nguyên liệu tại xã Vĩnh Hòa.
Bên cạnh đó, đến nay huyện Vĩnh Thạnh đã giao khoán bảo vệ và quản lý hơn 26.000 ha rừng cho bà con các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Thuận... với mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/ha/năm. Ngoài ra, người dân còn có thể thu hoạch nhiều lâm sản phụ, góp phần tăng thu nhập. “Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai trồng rừng chuyển đổi cây điều kém hiệu quả khoảng 300ha, trồng rừng sau khai thác 110 ha, trồng rừng theo dự án JICA2 100 ha tại các địa phương trong huyện”, ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.
Cùng với xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Hiệp, trong vài năm trở lại đây, xã Vĩnh Hòa là một trong những địa phương có phong trào trồng rừng mạnh nhất của huyện Vĩnh Thạnh. Sau khi tái định cư năm 2004, mỗi hộ được Nhà nước cấp 1 ha đất để trồng rừng và đều được người dân sử dụng hết công suất. Huyện và xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân, hỗ trợ cây giống, tổ chức cho cán bộ kỹ thuật đi tham quan học hỏi để về hướng dẫn dân, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng ngay thôn, làng, hướng dẫn bà con trồng xen canh các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi thêm bò, heo để lấy ngắn nuôi dài, nên từ đó, phong trào trồng rừng tại xã Vĩnh Hòa đã phát triển mạnh. Ông Phạm Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, phấn khởi cho biết: “Đến nay, Vĩnh Hòa đã có gần 1.600 ha rừng, trong đó có gần 530 ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo lai, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Thấy được hiệu quả rõ rệt từ trồng rừng nên ở đây gia đình nào cũng trồng ít nhất là 1 ha, hộ trồng nhiều thì từ 3 - 4 ha. Anh Lê Văn Cù, 44 tuổi, ở thôn M9, xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Trước đây, bà con sống dựa vào nghề nông, chủ yếu trồng bắp, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, lãnh đạo xã xác định và hướng dẫn bà con phát triển kinh tế đồi rừng, tập trung vào cây mũi nhọn là keo lai để cải thiện đời sống. Hiện nay, gia đình tôi có 2 ha đất trồng keo lai và bạch đàn, 1 ha trồng mì để lấy ngắn nuôi dài, bình quân mỗi năm thu trên 100 triệu đồng từ cây bạch đàn, keo lai, mì và chăn nuôi bò, năm sau có thể thu nhập tăng gấp đôi do gỗ nguyên liệu đang được giá. Bây giờ bà con ở đây đã có nguồn thu khá vững chắc, nhà nhiều thì trên trăm triệu, nhà ít cũng được vài ba chục triệu đồng mỗi năm từ trồng rừng”.
Việc phát triển kinh tế rừng cũng giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Anh Lê Văn Diệp, 42 tuổi, ở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang, cho biết: “Nhóm của tôi gồm 12 người chuyên nhận khoán khai thác gỗ nguyên liệu cho bà con trong huyện, với tiền công từ 200 - 350 ngàn đồng/tấn gỗ. Mỗi ngày nhóm tôi khai thác được khoảng 8 - 9 tấn gỗ, chia đầu người ra thì được chừng 130 - 160 ngàn đồng/người/ngày, cũng có thêm chi phí để trang trải cho cuộc sống”.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, đánh giá: “Phong trào trồng rừng phát triển ở Vĩnh Thạnh trong thời gian qua không chỉ làm tăng độ che phủ rừng mà thật sự góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và tăng nhanh hộ khá, giàu ở địa phương”.
HỒNG PHÚC
Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp một cách hợp lý để nhân dân tham gia phát triển trồng rừng sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống từ đó giảm áp lực xâm hại rừng cũng là giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Làm được như vậy là quá tốt.