Kỷ niệm 170 năm Năm sinh Danh nhân văn hóa Đào Tấn: Tưởng nhớ và vinh danh
Kỷ niệm 170 năm Năm sinh danh nhân văn hóa Đào Tấn (1845 - 2015), tại quê hương Bình Định và TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhà thơ, nhà soạn tuồng lỗi lạc, đã để lại những tác phẩm đồ sộ trong lịch sử nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Nhiều hoạt động kỷ niệm
Theo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 170 năm Năm sinh Danh nhân văn hóa Đào Tấn đang được Sở VH - TT &DL trình UBND tỉnh phê duyệt, thì sẽ có nhiều hoạt động diễn ra trong tháng 8 này. Mở đầu là chương trình Liên hoan trích đoạn tuồng Đào Tấn (dự kiến từ ngày 27 - 29.8) của các đoàn tuồng không chuyên trên địa bàn tỉnh. Liên hoan là dịp đánh giá tổng quát khả năng gìn giữ và phát huy của các đoàn tuồng không chuyên đối với các kiệt tác tuồng của Đào Tấn. Ông Bảo Hiến, Trưởng đoàn nghệ thuật tuồng Ánh Dương (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), cho biết: “Đáp ứng theo yêu cầu chỉ biểu diễn một trích đoạn có thời lượng 25 phút để tham gia Liên hoan, nhiều ngày qua anh chị em trong đoàn đã dàn dựng, tập dượt trích đoạn Trại Ba đưa Địch Thanh qua ải Cáp Man trong vở Ngũ hổ Bình Tây”.
Đoàn tuồng Ánh Dương sẽ tham gia Liên hoan trích đoạn tuồng Đào Tấn sắp tới.
- Trong ảnh: Một buổi diễn của Đoàn tuồng Ánh Dương ở xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn.
Trọng tâm của chương trình hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra tại thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, với các nghi lễ như Lễ Dâng hương kỷ niệm 170 năm Năm sinh danh nhân văn hóa Đào Tấn, Lễ đón nhận Bằng chứng nhận “Hát bội Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Đào Tấn (dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 30.8). Trong đó, việc xây dựng công trình xứng tầm để tôn vinh danh nhân Đào Tấn chính là điều mọi người mong chờ từ lâu. Đền thờ Đào Tấn được xây dựng có nhiều hạng mục như đền thờ chính, sân hành lễ, học bộ đình, hồ sen… do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư, có huy động nguồn đóng góp của xã hội.
Nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức các vở tuồng Đào Tấn của nhân dân, Nhà hát tuồng Đào Tấn sẽ có ba đêm diễn tại thôn Vinh Thạnh. Ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT &DL, cho biết: “Sở VH-TT &DL là cơ quan thường trực đã phối hợp với UBND huyện Tuy Phước và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm theo yêu cầu trang trọng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, gây ấn tượng sâu sắc, thành kính thiêng liêng và mang ý nghĩa giáo dục. Trong những ngày tới, sẽ bắt đầu quảng bá về hoạt động kỷ niệm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện tuyên truyền trực quan qua hệ thống pa-nô, phướn, khẩu hiệu”.
Mong muốn tôn vinh ở tầm thế giới
Trong bài viết “Đào Tấn - nhà soạn tuồng kiệt tác của dân tộc” đăng trên báo Nhân dân ngày 3.8.2015, GS Hoàng Chương đề xuất: “Soạn giả Đào Tấn, một danh nhân văn hóa dân tộc với sự nghiệp sáng tác của mình xứng đáng được vinh danh như một biểu tượng của sân khấu dân tộc. Theo tiêu chí và điều kiện xét tặng của UNESCO theo năm chẵn kỷ niệm ngày sinh tròn chục của danh nhân, đề nghị Bộ VH-TT &DL cùng UBND tỉnh Bình Định nhanh chóng lập hồ sơ trình UNESCO vinh danh soạn giả Đào Tấn”.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, đã có 4 cuộc hội thảo về danh nhân Đào Tấn được tổ chức trên quê hương Bình Định. Về tham gia hội thảo năm 2007, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong đánh giá: “Không riêng tôi, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc khác ở nước ngoài đều đặc biệt đề cao vai trò quan trọng của Đào Tấn trong lịch sử hát bội Việt Nam. Chúng tôi đã dẫn luận và đưa danh mục về Đào Tấn trong các từ điển bách khoa âm nhạc thế giới như Garland Encyclopedia of Word Music (Mỹ), The New Grove Dictionary of Music and Musicians (Anh), Iwanami Shoten (Nhật)… Nếu chúng ta biết trân trọng tác phẩm và con người của các danh nhân thế giới, chúng ta cũng phải ghi nhận và tôn vinh Đào Tấn như một danh nhân của nhân loại”.
Kỷ niệm 170 năm Năm sinh của Danh nhân văn hóa Đào Tấn, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ phối hợp với Hội đồng hương Bình Định ở TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về Đào Tấn, nhằm đưa ra thêm nhiều góc nhìn đa dạng, sinh động về con người và sự nghiệp nghệ thuật của vị hậu tổ tuồng. Đây cũng là mong muốn của GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, nhằm tạo thêm cơ sở để hướng đến vinh danh soạn giả Đào Tấn ở tầm thế giới. Ông Văn Bá Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Tham gia hội thảo ở TP Hồ Chí Minh vào ngày 20.8, các nghệ sĩ của Nhà hát sẽ biểu diễn trích đoạn “Lan Anh lạc đẻ” trong vở “Hộ sanh đàn” nổi tiếng của cụ Đào Tấn. NSƯT Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát cũng được mời trình bày tham luận tại Hội thảo”.
HOÀI THU