Gởi phiếu lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đến các hộ gia đình
Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhằm tiếp tục triển khai việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) một cách dân chủ, khách quan và đạt hiệu quả. Liên quan đến việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào Dự thảo thời gian qua, PV Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.
* Thưa ông, với vai trò là cơ quan thường trực Tổ giúp việc của HĐND và UBND tỉnh về việc lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào Dự thảo, xin ông cho biết kết quả của công tác này từ tháng 1.2013 đến nay? Và nội dung góp ý nhiều nhất là trên các lĩnh vực nào?
- Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã phối hợp tổ chức một số hội nghị để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo mọi thành phần trong xã hội đều được tham gia ý kiến vào Dự thảo.
Đến nay, hầu hết các huyện, thị xã, và nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo dưới nhiều hình thức. Tính đến ngày 13.3, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 412 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm với 2.245 ý kiến góp ý vào Dự thảo.
Nội dung các tổ chức, cá nhân tập trung tham gia góp ý là: Vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với Nhà nước; các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; vấn đề quản lý, sử dụng đất đai; các chế định đổi mới, bổ sung về tổ chức bộ máy, thẩm quyền, nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước; cơ chế đổi mới về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và các thiết chế mới được bổ sung là: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Theo tiến độ, chậm nhất đến ngày 31.3.2013, các tỉnh, thành phải báo cáo kết quả tham gia góp ý của nhân dân về Dự thảo cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tổng hợp chung. Hiện nay, Tổ giúp việc của tỉnh đã cơ bản hoàn thành dự thảo báo cáo tổng hợp đợt 1 để trình Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh thông qua, sau đó xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và báo cáo cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chính phủ, Bộ Tư pháp. Nhưng sau đó tỉnh ta vẫn tiếp tục tiến hành lấy ý kiến nhân dân theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
* Vậy làm thế nào để việc tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo vừa dân chủ, khách quan, người dân có thể bày tỏ mọi ý kiến, quan điểm của mình?
- Để việc tham gia góp ý vào Dự thảo của nhân dân diễn ra một cách dân chủ, khách quan và đạt hiệu quả, trong thời gian tới, ngoài việc duy trì các hình thức lấy ý kiến như đã thực hiện, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo 2 nội dung trọng tâm về tiếp tục thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân.
Ngày 11.3, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo mọi người dân trong tỉnh đều nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện này và tích cực tham gia góp ý kiến. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cho UBND các huyện, thị xã, thành phố ngay trong tháng 3 này phải chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương in, gửi bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo bản thuyết minh, và phiếu xin ý kiến đến các hộ gia đình để người dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến; đồng thời tổ chức tập hợp đầy đủ, trung thực những ý kiến này và gởi về cơ quan thường trực Tổ giúp việc (Sở Tư pháp).
* Xin cảm ơn ông!
THU HÀ (Thực hiện)