Bát nước đổ đi
Phụ nữ khi có chồng, nhất là chồng là con trai trưởng hoặc đích tôn thì có những nỗi niềm riêng mà chỉ người cùng cảnh ngộ mới thấu hiểu. Từ tâm sự của chị Tuyết Hoa bị “bắt” phải sinh con thứ 3 để nhà chồng kiếm cháu trai đến hoàn cảnh đau buồn phải chịu cảnh chồng chung rồi ly hôn, một mình nuôi 3 đứa con gái của chị Quỳnh Dao (đăng ở chuyên mục này các kỳ trước), thì hoàn cảnh của tôi may mắn hơn.
Tôi đã chịu nhiều áp lực nặng nề, kể cả sự khinh bỉ, miệt thị khi mang bầu đứa con gái thứ 2. Gia đình nhà chồng đều có quyền thế, chồng là cháu đích tôn lại có chức vụ lớn. Tôi đã nhiều lần tha thiết đề nghị chồng ra ở riêng vì không chịu nổi cảnh bị nhà chồng ghẻ lạnh, đối xử tệ bạc. Chồng tôi thì khăng khăng không thể sống xa cha mẹ và bảo rằng tôi làm vợ, dâu thì phải cam chịu, không nên bêu xấu mặt nhà chồng. Tôi thấy mình như bị cô lập, thất vọng nặng nề vì người mà mình tin tưởng, yêu thương hết mực đã không thể bảo vệ mình.
Tôi cùng con gái xin về ở nhà mẹ đẻ trước vài tháng chờ sinh. Cả nhà chồng chẳng lời hỏi thăm suốt thời gian này. Ngày tôi sinh, chỉ có mỗi chồng tới cùng mẹ tôi chăm sóc. Lúc đó, chồng tôi mới giật mình vì đứa con sau là con trai. Lập tức, cả gia đình nhà chồng vội vã vào thăm nom, ẵm bồng cháu. Tôi biết thông tin mình có bầu con trai (lần đầu kết quả siêu âm nhầm) khi dọn về ở nhà mẹ ruột nhưng vì quá căm phẫn với cách đối xử của nhà chồng nên tôi im lặng.
Mẹ chồng một mực đòi rước cháu trai về để chăm sóc. Tôi đã bật khóc la hét ngay trong phòng hậu phẫu để giữ con ở bên mình. Tôi cương quyết ra điều kiện ở riêng nếu không sẽ ly hôn vì cảm nhận gia đình nhà chồng chỉ cần cháu chứ không phải con dâu. Dù mẹ chồng và chồng xin lỗi nhưng quả thật tình cảm mà tôi dành cho nhà chồng không còn được như trước. Bát nước đổ đi khó mà lấy lại cho đầy.
Gần chục năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên sự việc cũ, luôn nhắn nhủ chồng rằng đừng có sống quá nhu nhược và ích kỷ, cũng chính là nhắc bản thân tôi không thể cứ sống cam chịu như xưa nữa.
THỤC NHI