Lập mộ giả rút tiền dự án
Cuối năm 2009, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn phục vụ Khu kinh tế Nhơn Hội tại thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Và cũng từ thời điểm đó, nhiều khu đất hoang hóa ở đây bất thường mọc lên nhiều ngôi mộ như “nấm mọc sau mưa”.
Năm 2013, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Nhiều cán bộ địa phương được phân công là thành viên tổ công tác. Các cán bộ này đã “đi tắt đón đầu” biến cái không thành có để chiếm đoạt tiền.
Cán bộ thông đồng...
Cụ thể, Hồ Bốn là người được cử để tham gia tổ công tác chỉ có 8 ngôi mộ của thân nhân, tộc họ nằm trên dải đất đang canh tác thuộc quy hoạch Dự án khu xử lý chất thải rắn ở thôn Liên Trì. Vào dịp Tết năm 2012, khi tiến hành tu tảo 8 ngôi mộ, Bốn “tiện tay” vun thêm 3 ngôi mộ giả để sau này kê khai lấy tiền đền bù. Năm 2013, nhà nước bắt đầu thực hiện Dự án, ngoài các phần mộ của gia đình, Hồ Bốn được hỗ trợ đền bù di dời 3 phần mộ giả, lấy hơn 4 triệu đồng.
Thấy việc “vun đất” dễ kiếm được nhiều tiền, Hồ Bốn cấu kết với Hà Văn Giám, thôn phó Liên Trì, cũng là thành viên của tổ công tác, kiếm tiền bất hợp pháp. Biết Nguyễn Văn Long (người trong thôn) kê khống 13 ngôi mộ, Bốn và Giám móc nối, yêu cầu Long đứng tên kê khống thêm 18 ngôi mộ nữa thì mới chịu xác nhận làm thủ tục cho nhận tiền. Nguyễn Văn Long nhận đủ tiền đền bù tất cả 31 ngôi mộ giả với hơn 42 triệu đồng, sau đó đưa lại cho Hồ Bốn, Hà Văn Giám 24,8 triệu đồng và được cả hai “lại quả” 4 triệu đồng. Còn tiền bồi thường 13 ngôi mộ giả, Long đã trả công vun đất cho Nguyễn Văn Hồng 5 triệu, còn mình bỏ túi gần 13 triệu đồng.
Thấy nhận tiền quá dễ dàng, trong quá trình đi kiểm kê số mồ mả di dời để đền bù, Hồ Bốn và Hà Văn Giám đã nhờ Nguyễn Bá Phú vun đất và hướng dẫn kê khai 29 ngôi mộ giả để tổ công tác làm thủ tục xác nhận chi phí di dời lấy 40 triệu đồng. Sau đó Nguyễn Bá Phú được cho 7 triệu đồng, số còn lại Bốn và Giám chia nhau tiêu xài. Ngoài ra, Hồ Bốn đã rủ rê và nhờ con rể Nguyễn Thanh Hòa kê khai khống 34 ngôi mộ để lấy 47 triệu đồng.
Riêng mình, Hà Văn Giám cũng âm thầm đến thửa đất của ông Nguyễn Xuân Vinh ở cùng thôn vun 18 ngôi mộ giả và nhờ em rể là Lê Văn Hùng đứng tên kê khai nhận gần 25 triệu đồng.
… Và ăn chặn của người vi phạm
Biết thửa đất đang trồng điều của gia đình nằm trong vùng quy hoạch, Huỳnh Minh Hoàng đã cấu kết với Nguyễn Văn Điện vun lên 40 ngôi mộ giả. Là người trong thôn, Hồ Bốn biết sự việc nên “điểm mặt” và Nguyễn Minh Hoàng chỉ thừa nhận 23 ngôi mộ giả. Được Hoàng gợi ý trích lại mỗi mộ 200 ngàn đồng nên Bốn đã xác nhận để Nguyễn Văn Điện nhận hơn 55 triệu đồng.
Trường hợp khác là Bùi Văn Bình, biết thửa đất đang trồng bạch đàn của ông Nguyễn Văn Hồng nằm trong vùng Dự án nên cũng đã dùng cuốc vun thành 19 ngôi mộ giả. Bình đã liên hệ và nói thật với Hồ Bốn, đồng thời thỏa thuận việc ăn chia. Sau khi thỏa thuận, trong số tiền hơn 26 triệu hỗ trợ di dời thì Bình chỉ lấy 8 triệu, đưa cho Bốn hơn 18 triệu đồng.
Tương tự như vậy là trường hợp của 3 ông Đinh Thường, Nguyễn Hồng Hóa và Nguyễn Thanh Sơn. Thấy mọi người kê khống mồ mả nhận tiền đền bù di dời mà không qua kiểm tra thực địa, Hóa đã bàn với Thường và Sơn xách cuốc đi vun 32 phần mộ giả trên phần đất của mình và 12 phần mộ giả trên phần đất của ông Nguyễn Văn Khải, được tổ công tác xác nhận để lấy số tiền gần 61 triệu đồng. Sau đó, nhóm này bồi dưỡng cho các thành viên của tổ công tác tham gia kiểm kê gồm Nguyễn Mai Tây, Hồ Bốn, Hà Văn Giám và Lê Công Luyện tổng cộng 12 triệu đồng.
Hiện CA huyện Phù Cát đã khởi tố 25 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã thu hồi 490 triệu đồng, đồng thời kiến nghị xử lý một số thành viên của tổ công tác đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo.
TẤN TÀI