Chương trình quốc gia về bình đẳng giới: Chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả
Chương trình quốc gia về bình đẳng giới được kỳ vọng sẽ giúp phụ nữ nâng cao trình độ về mọi mặt, thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực có sự bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH Lê Thị Vinh Hương xung quanh việc triển khai Chương trình này tại tỉnh ta.
Tỉ lệ cán bộ nữ ở tỉnh ta đã được nâng cao đáng kể.
- Trong ảnh: Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Thụy (người đứng) trong đợt giám sát quá trình thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế tại huyện Phù Cát.
Theo bà Lê Thị Vinh Hương, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 được triển khai ở tỉnh ta có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương. Việc triển khai các dự án của Chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu đã trang bị kiến thức cơ bản quản lý nhà nước về bình đẳng giới cho các đối tượng liên quan, nhất là ở các xã, phường, thị trấn; trang bị kiến thức, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, kinh nghiệm hoạt động bình đẳng giới cho đội ngũ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đội ngũ làm công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong tổ chức, đoàn thể của mình, tham gia giám sát thực hiện chương trình bình đẳng giới của chính quyền cùng cấp, tạo sự chuyển biến đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực đối với mục tiêu của Chương trình quốc gia bình đẳng giới đã đề ra.
● Xin bà cho biết cụ thể hơn hiệu quả của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới tại tỉnh ta?
- Các cấp, các ngành và các địa phương đã quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc ưu tiên xem xét, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của phụ nữ và từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Kết quả, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 là 15,75% (chỉ tiêu đến năm 2015 là từ 15% trở lên); trong đó ở cấp tỉnh 7,14%, cấp huyện và tương đương 9,74%, cấp xã và tương đương 17,24%.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm đã hướng đến đối tượng lao động nữ. 67% lao động nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khác. Chỉ tính riêng năm 2014, lao động nữ chiếm 50% trong tổng số 26.320 lao động được tạo việc làm mới.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ được duy trì thường xuyên và hiệu quả. Đến nay, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh có 378 thạc sĩ (không kể các trường học ở bậc cao đẳng trở lên), trong đó nữ có 180 người, chiếm 47,6% (kế hoạch 40%);
● Để phát huy những hiệu quả đó trong thời gian tới, hoạt động của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa bà?
- Bên cạnh nhiều thành quả, quá trình thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới ở tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại. Đáng chú ý, công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới tới người dân còn hạn hẹp, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nội dung, hình thức tuyên truyền có lúc, có nơi chưa phù hợp với đối tượng; việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thường xuyên.
Do đó, trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến hay, mô hình có hiệu quả về bình đẳng giới. Tiêu biểu như mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Qua mô hình này đã tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội đoàn viên, quần chúng nhân dân tại xã Phước Sơn về tác hại của bạo lực trên cơ sở giới thông qua nhiều hình thức phong phú như sân khấu hóa với các tiểu phẩm sinh động và thiết thực; cung cấp tài liệu, thông tin về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số.
Bên cạnh nhân rộng các mô hình có hiệu quả, sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình mới về bình đẳng giới. Đồng thời, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới phục vụ công tác hoạch định chính sách. Các dự án của Chiến lược tiếp tục được triển khai: Dự án truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; Dự án nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quản lý, lãnh đạo các cấp, nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, cán bộ nữ thuộc diện quy hoạch; Dự án hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới; Dự án hỗ trợ xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới.
● Xin cảm ơn bà!
NGUYỄN VĂN TRANG
(Thực hiện)