“Trông người, ngẫm ta”!
Ðợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây nên những thiệt hại vô cùng to lớn cho nhân dân Quảng Ninh và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Hình ảnh nhiều tài sản trị giá hàng ngàn tỉ đồng, bao gồm nhà cửa, hoa màu của dân cư, các công trình giao thông, nhà máy, hầm mỏ… bị nhấn chìm bởi những cơn lũ hung bạo hay bị vùi lấp bởi những núi đất đá sạt lở khiến mỗi chúng ta đau xót đến bàng hoàng.
Ðặc biệt, với riêng tỉnh Quảng Ninh, trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong 40 năm qua đã tàn phá tỉnh này một cách khủng khiếp với hàng chục người chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm, thiệt hại vật chất ước tính lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Các địa phương khác như Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Thái Bình, Nam Ðịnh… cũng bị thiệt hại nghiêm trọng về người và của.
Vẫn biết “nắng mưa là chuyện của trời” nhưng từ trận mưa lũ vừa qua ở Quảng Ninh và các tỉnh, thành phía Bắc, chúng ta có thể nhìn nhận một số vấn đề rất đáng suy nghĩ trong công tác phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trước hết, trận mưa lụt vừa qua là một thảm họa do thiên nhiên gây ra, nhưng rõ ràng những thiệt hại to lớn của trận mưa lũ này không hẳn là “chuyện của trời”. Chắc chắn rằng, nếu không có tình trạng khai thác rừng theo kiểu tận diệt, khai thác than thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm… dẫn đến việc can thiệp quá lớn vào địa hình tự nhiên làm cho địa hình, địa mạo nhiều nơi bị thay đổi, nhiều dòng chảy thoát nước tự nhiên bị chặn vô tội vạ thì chắc hẳn chuyện núi sạt, đất lở hay các cơn lũ ống, lũ quét sẽ không đến mức trầm trọng như đã xảy ra.
Vì vậy, xét một cách sâu xa thì trong thảm họa thiên tai vừa qua có một phần do “nhân tai” gây ra.
“Trông người lại ngẫm đến ta”! Bình Ðịnh cũng là địa phương nằm trong vùng có nguy cơ cao về tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch, triển khai chủ động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu; đề ra giải pháp và đầu tư có hiệu quả cho các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị thiên tai đe dọa ở ven biển, ven sông suối, ven đầm hồ và vùng núi… là vấn đề hết sức cấp thiết.
Theo đó, việc cần làm trước hết là phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là các khu dân cư, các công trình hạ tầng… ở ven biển, ven sông, ven triền núi. Bên cạnh đó, việc khẩn trương thực hiện di dời dân cư ở các khu vực nguy hiểm như sạt lở đất đá, biển xâm thực, nước gây ngập úng… đến các điểm tái định cư để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão, lũ lụt và đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống cho dân cư cần được thực hiện rốt ráo và quyết liệt hơn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khu vực rất nguy hiểm khi có thiên tai nhưng dân cư vẫn không di dời, chưa di dời là rất đáng lo.
Chỉ còn vài tháng nữa là tỉnh ta lại vào mùa mưa lũ và bão tố, chuyện lở núi, lở bờ sông, chuyện biển xâm thực đất liền... có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với nguy cơ chực chờ như thế, cách phòng ngừa tốt nhất là phải hết sức nêu cao tinh thần cánh giác, chủ động ngay từ bây giờ để đối phó với những diễn biến của thời tiết. Chỉ có như vậy thì mới mong giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra.
H.Ð