Rủ nhau leo núi
Phong trào leo núi tập thể dục tuy xuất hiện ở TP Quy Nhơn mới gần nửa năm nay nhưng đã và đang thu hút nhiều người ở mọi thành phần, độ tuổi cùng tham gia.
Cuối tuần leo núi
5 giờ kém 5 phút Chủ nhật, khoảng trên 50 người đã có mặt tại điểm hẹn chờ xuất phát tại Khu Du lịch Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Sau hiệu lệnh “Xuất phát!” của “hội trưởng”, cả đoàn bắt đầu chạy xe máy men theo con đường triền núi hướng sang Quy Hòa, độ 2 km thì đến chân núi Xuân Vân. Bỏ xe máy tại đây, cả đoàn bắt đầu leo núi.
Núi Xuân Vân cao 242m so với mực nước biển, lối lên núi là những bậc thang xây bằng đá và xi măng (do Giáo xứ Phanxico Quy Hòa dòng Phan sinh Thừa sai Đức mẹ xây dựng từ những năm 50-60 của thế kỷ trước để tín đồ lên cầu nguyện). Tuy nhiên, với người trải nghiệm lần đầu, việc leo hơn 2.000 bậc thang gập ghềnh, nhỏ hẹp cũng chẳng dễ dàng. Mới chặng 3, chặng 4 có người đã “bở hơi tai”, dừng chân nghỉ mệt. Đôi ba bạn trẻ mới leo lần đầu động viên nhau: “Ráng đi, gần đến nửa đường rồi”.
Giới thiệu lộ trình leo núi Bà Hỏa vào sáng chủ nhật 9.8 (Ảnh từ Facebook Hội leo núi Quy Nhơn).
Chừng 6 giờ sáng, đoàn đặt chân đến chặng cuối - chặng 14. Lần đầu tiên tôi được ngắm một Quy Nhơn thu nhỏ trong buổi bình minh. Dưới chân là đồi núi, xa kia ngoài biển xanh, vầng dương ló dạng với những dải hồng, cam rực rỡ. Cảm giác như thể mình đang giao hòa thiên nhiên, với đất - trời rộng mở, với những người cùng chung sở thích mới quen.
Hôm ấy có đến 58 thành viên leo núi, khá đông đối với một môn thể thao mới được phát động từ tháng 3.2015. Từ 4 thành viên leo núi tuần đầu tiên, đến nay sang tuần thứ 23, đã có gần 60 người tham gia. Anh Nguyễn Khoa Việt Sang, một trong những người phát động phong trào leo núi và hiện là một trong 4 admin của trang facebook Hội leo núi Quy Nhơn, cho biết: Ý tưởng leo núi xuất phát từ một bạn nữ trong nhóm với mục đích rèn luyện sức khỏe, tinh thần mạnh mẽ, sống chan hòa với thiên nhiên, kết nối những người cùng đam mê thể dục thể thao không phân biệt thành phần, lứa tuổi.
Rèn sức - trí, kết nối bạn cùng bè
Lịch trình leo núi của Hội leo núi Quy Nhơn là vào sáng Chủ nhật hàng tuần, trong đó tuần thứ 2 của tháng leo núi Bà Hỏa, tuần cuối cùng của tháng leo núi Vũng Chua, còn lại là núi Xuân Vân; nhưng cũng có khi thay đổi. Địa điểm, thời gian xuất phát đều được thông báo cụ thể trên facebook của nhóm vào thứ Bảy để các thành viên biết mà chuẩn bị. Giờ khởi hành dao động vào lúc 4 - 5 giờ sáng (tùy địa điểm gần hay xa) để xuống núi chừng 7 giờ sáng. Hiện Hội đang chuẩn bị cho chuyến đi leo núi ở Eo Gió (Nhơn Lý, Quy Nhơn) vào tuần sau.
Khi số người tham gia môn thể thao mới này ngày một đông hơn, một số thành viên tích cực của Hội còn rủ nhau leo núi vào các ngày khác trong tuần. Có gia đình vợ chồng con cái, thậm chí là sui gia đều tham gia. Có bạn trẻ còn cho con nhỏ leo núi nhằm dạy con cách sống chan hòa với thiên nhiên, rèn cho con ý chí vượt khó khăn, đương đầu với trở ngại sau này.
Ông Dương Văn Minh, 60 tuổi, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Quy Nhơn, thành viên mới tham gia của Hội, cho biết vợ chồng ông và hai cháu ngoại đã leo núi được 5-6 lần. Ban đầu chỉ vợ chồng ông tham gia, rồi cháu ngoại đòi theo thử một lần cho biết, để rồi bây giờ tối thứ bảy nào các cháu cũng sang nhà ông ngủ để sáng hôm sau leo núi. Ông nói: “Tôi thấy đây là một môn thể thao phù hợp với nhiều lứa tuổi, thành phần, và trên hết nó kết nối được nhiều người. Với người già, leo núi Xuân Vân hay Bà Hỏa phải vận dụng sự khéo léo, tập trung để khỏi bị trượt ngã; còn núi Vũng Chua đường dài khoảng 3km, lần đầu tham gia tôi phải nỗ lực lắm mới khỏi bỏ cuộc giữa chừng. Và khi đã chinh phục được rồi, thì những lần sau không có gì đáng ngại nữa. Tôi kể chuyện leo núi với nhiều bạn bè, họ thích lắm và đòi tham gia. Tôi dự định sau này sẽ vận động giáo viên, rồi học sinh trong trường tham gia leo núi như một hoạt động ngoại khóa”.
Trong lần leo núi đầu tiên, tôi được các thành viên trong Hội giới thiệu một thành viên tích cực người Hàn Quốc tên Yoo Heoungon, đang dạy tiếng Hàn tại Trường CĐ nghề Quy Nhơn, tham gia leo núi từ tuần thứ 2 cho đến nay. Ông Yoo Heoungon cho biết: “Tôi tham gia Hội qua lời mời của một đồng nghiệp tại trường. Thứ bảy tôi cũng leo núi Xuân Vân và khi trở về tôi đi bộ bằng đường khác. Ở Hàn Quốc nhiều người hay leo núi lắm, mà núi quê tôi cao hơn đây nhiều. Mỗi buổi leo núi mất chừng 4 tiếng đồng hồ”.
THU HÀ
Để leo núi an toàn
- Xem dự báo thời tiết. Kiểm tra dự báo thời tiết trước khi đi leo núi, nếu thời tiết có chuyển biến xấu, hãy quay trở lại, không nên tiếp tục hành trình leo núi vì có thể sẽ rất nguy hiểm.
- Rèn luyện thể lực. Để có đủ sức khỏe chinh phục những ngọn núi mà không phải bỏ cuộc giữa chừng thì việc luyện tập là cần thiết. Có thể đi bộ, chạy bộ, luyện tập thể thao nhẹ nhàng những ngày trước khi leo núi.
Ngoài ra, nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các vitamin, khoáng chất, uống đủ nước, ăn ngủ điều độ đảm bảo sức khỏe. Những người bị bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp, tốt nhất nên lượng sức mình, không nên ráng quá.
- Trang phục phù hợp: Quần áo nên rộng rãi, thoải mái. Bạn cần chọn đôi giày leo núi chuyên dụng, có độ ma sát và sức bám cao, giày chống thấm nước giúp leo núi dễ dàng hơn.
T.H (Theo Sức khỏe)