Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam (10.8): Nỗi bất hạnh “da cam”
Sau 40 năm hòa bình, khổ đau vẫn hiện hữu rõ rệt trong từng hình hài biến dạng, những căn bệnh quái ác bởi di chứng của chất độc hóa học mang tên da cam. Và những người không tiếc tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc vẫn đang phải gánh chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần khi chất độc da cam cứ mãi giày vò đời con, cháu.
Ai bảo ngưng tiếng súng là hết khổ đau? Câu hỏi ấy cứ xoáy vào tâm trí chúng tôi khi đến thăm những gia đình bị chất độc da cam đeo bám, ám ảnh.
Nỗi đau chồng chất
“Cuộc đời tôi chồng chất những nỗi đau, mất mát”, ông Lê Đình Tư (63 tuổi, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) bắt đầu như thế khi kể về cuộc đời mình.
Ở tuổi 65, ông Lợi canh cánh câu hỏi: Ai sẽ chăm lo cho con khi mình nằm xuống?
Những năm 1965, người dân ở xã Cát Lâm quê ông hứng chịu nhiều trận rải chất diệt cỏ của quân đội Mỹ. Không ít người bị chất độc hóa học ấy dính trực tiếp lên cơ thể. Ông Tư cũng vậy. Song, chẳng một ai ngờ chất độc màu da cam để lại những hậu quả nặng nề, dai dẳng và nhức nhối mà phải đến 20 năm sau, gia đình ông và những người xung quanh mới nhận thức hết được.
Tham gia du kích địa phương (năm 1969), trở thành bộ đội huyện (1972), ông trở về và lập gia đình khi hòa bình. Bất hạnh cũng bắt đầu từ đây. Người con đầu của ông có vấn đề về thần kinh. Người con thứ hai cũng bị bệnh thần kinh. Người con thứ ba bị sinh non và mất khi được vài tháng tuổi. Người con thứ tư, rồi thứ năm cũng mất sau khi sinh non. Vợ chồng ông Tư hoang mang cực độ và tự trách bản thân vì chẳng thể cho những đứa con một cuộc đời bình thường.
Năm 1995, vợ chồng ông quyết định sinh thêm đứa con với mong ước khi mình già yếu, các con có anh có em để giúp đỡ nhau. Anh con út chào đời, khỏe mạnh và nguyên vẹn như mong ước của cha mẹ. Những tưởng vậy là số phận đã mỉm cười với gia đình ông, nào ngờ, vợ ông đột ngột qua đời năm 1996, để lại hai đứa con bệnh tật và đứa còn lại vừa mới chập chững tập đi.
Đảm đương thêm vai trò của người mẹ, ông Tư nỗ lực lo cho con. Sức lao động bị suy giảm do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, ông Tư xin vào làm bảo vệ ở Trung tâm y tế huyện. Năm 2005, ông xin nghỉ việc ở đây vì cú sốc: người con trai đầu mất trong một tai nạn.
“Bao nhiêu biến cố, mất mát khiến đầu óc tôi mệt mỏi, không đủ sức khỏe lẫn sự minh mẫn đáp ứng yêu cầu của công việc làm bảo vệ. Tôi về làm thuê, làm mướn nuôi hai đứa con. Mấy năm nay, tôi và con trai đầu được hưởng chế độ chất độc hóa học (tổng số tiền hỗ trợ là 2,8 triệu đồng/tháng) nên cũng đỡ túng quẫn. Anh con trai út cũng đã học hết lớp 12, đang làm hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng. Chỉ mong sao, đừng có thêm biến cố, mất mát nào nữa!”, ông Tư tâm sự.
Oặt ẹo với bại não
Ngôi nhà của ông Phan Văn Lợi (64 tuổi, ở xóm Xuân Thạnh, thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn) nằm bên cánh đồng lúa, khuất sau lũy tre làng. Nếu không được chỉ dẫn trước, chúng tôi khó tin đằng sau vẻ yên bình ấy là nỗi buồn tủi của đấng sinh thành và những cơn đau quằn quại của hai người con gái bị bệnh bại não, co rút chi.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh, toàn tỉnh đã huy động được 186,8 triệu đồng; trực tiếp thăm hỏi, động viên và tặng 507 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam (tổng kinh phí là 140,1 triệu đồng).
Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học làm thủ tục để được hưởng chế độ. 6 tháng đầu năm, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận và chuyển 91 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ chất độc da cam đạt yêu cầu sang Hội đồng giám định y khoa.
Buổi chiều, gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Người cha già khó nhọc bồng bế hai người con ra ngoài hè để hóng gió. Bộ ghế sofa cũ kỹ, rách toạc trở thành chỗ ngồi ưa thích của hai cô gái Phan Thị Nghĩa (34 tuổi) và Phan Thị Yến Nhi (22 tuổi). Dưới tia nắng chiều đang cố len qua kẽ lá, nhảy nhót trên khuôn mặt, Nghĩa và Nhi nở nụ cười ngây ngô, khờ khạo.
Nhìn con cười, ông Lợi thở dài, bảo: “Bác sĩ nói hai đứa bị bại não nhưng vợ chồng tôi vẫn tin con có cảm nhận. Hơn 30 năm chăm sóc, bồng bế và học cách đoán ý con, tôi thấy rõ sự giao tiếp của con với mình, dù ngôn ngữ duy nhất của con là tiếng ư ử rên, tiếng khóc và những cái gật đầu rất nhẹ”.
Trở về từ cuộc chiến chống Mỹ với Huân chương kháng chiến hạng Nhì, ông Lợi lập gia đình và sinh được 6 người con gái. Người con gái thứ tư và cô gái út sinh ra trong dị hình dị dạng, phụ thuộc vào cha mẹ hoàn toàn. Bản thân ông cũng mang không ít bệnh, từng một lần điều trị hóa chất chữa ung thư.
Khi tuổi già đã nhìn thấy rõ trong từng nếp nhăn, sự khó nhọc khi bồng bế con, vợ chồng ông Lợi càng trăn trở, day dứt: “Ai sẽ là người tiếp tục chăm lo cho hai đứa nó khi vợ chồng tôi không còn nữa? Ai sẽ vỗ về cơn đau, tiếng khóc lúc nửa đêm, đút từng miếng cơm cho con thay chúng tôi? Tôi từng nghĩ đến bốn đứa con gái lành lặn đã lập gia đình, nhưng có lý gì khi phải đem nhọc nhằn này trao cho chúng khi bản thân chúng cũng đang chật vật chăm lo cho gia đình nhỏ của mình!”.
NGUYỄN MUỘI
Từ năm 1965 - 1971, quân đội Mỹ đã thực hiện 441 phi vụ, rải trên 1,88 triệu lít chất diệt cỏ xuống địa bàn tỉnh Bình Định. Hơn 14.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học “giết người” này (theo số liệu điều tra năm 2009). Trong đó, có 723 hộ có 3 người bị phơi nhiễm; 183 hộ có 4 người bị phơi nhiễm và 107 hộ có 5 người bị phơi nhiễm.
Đa số các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều có đời sống kinh tế khó khăn, chiếm 80% tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh. Đến nay, mới chỉ trên 12% trong tổng số người bị phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ của Nhà nước. Nhiều người đã mất mà chưa kịp hưởng một chế độ nào.