Anh em nhà số Mười
Thương tặng Vũ Lê Huân và Trần Hoàng Lê
Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ
Số mười gồm có số Một và số Không. Số Một vốn cao lêu đêu và lỏng khỏng, y hệt như Rin vậy nên được cả nhà gán cho thằng anh. Số Không tròn trĩnh và bụ bẫm được chỉ cho em bé Gỗ Lim. Chòm xóm thường ví von như vậy những lúc nhìn hai anh em đi, đứng, ăn, ngủ, chơi cạnh nhau. Thằng anh mới mười hai tuổi, đang học lớp bảy mà đã cao những một thước sáu tám. Còn em Gỗ Lim đã hơn ba tuổi nhưng chỉ cao được có tám mươi tám phân.
Hai anh em cách nhau ngần ấy năm nhưng rất gần gũi và thân thiết, dù cho có hơi hơi thiếu… hòa hợp. Hồi mới sinh, Rin đẹp ơi là đẹp. Ai thấy cũng “quở” khiến ngoại rất lo vì bà vốn mê tín. Nhà đã ít cháu mà Rin lại là đứa đầu nên được mọi người quan tâm hết mực. Rin không được khỏe, bà ngoại càng phải kiêng cữ hơn, ai dè kiêng chừng nào Rin đau chừng đó. Rin bị cái bịnh gì mà kỳ! Ăn thứ gì cũng vậy. Ăn sơ sơ thì được chứ ăn hơi nhiều là mấy thứ thức ăn đó không chịu nằm yên trong bụng, phải loi choi đòi ra.
Trúng bố Rin cứ nhồi nhét cho Rin suốt, phở, cơm, bánh trái… đủ thứ. Nhồi chừng nào, Rin mửa chừng đó. Mợ Hai của Rin kể: bố hay cho Rin ăn cái món cháo thập cẩm, gồm thịt bò hoặc xương heo nấu với đủ loại rau, trái. Càng nhiều càng tốt. Bởi đó ngoài vài loại bà ngoại đi chợ mua về để nấu cho cả nhà, mợ Hai thường qua hàng xóm xin mỗi nhà một chút. Xin thím Thu một miếng bí đỏ cỡ ba ngón tay. Xin cô Mười mấy cọng rau muống. Xin bà Khang dăm cọng giá… Hồi đó, bố thường nghiền ngẫm quyển sách: “Các bà mẹ nuôi con cần biết” khiến cả nhà tức cười. Có mấy lần, cậu Hai đề nghị thay thế bằng hai từ: “ông bố” cho phù hợp.
Bà ngoại Rin chỉ có ba người con. Cậu Hai, mẹ và cậu Út. Cậu mợ Hai đâu có con. Bố mẹ Rin lại chỉ có mình Rin, nên cả nhà mừng lắm khi cậu mợ Út có em bé. Mọi người hồi hộp chờ đón giây phút em bé ra đời, đâu ai nghĩ nó xấu đến mức độ đó. Trời ơi! Mình mẩy em đen thui đen thít. Cái đầu loe ngoe có mấy sợi tóc, trong khi cái trán lại dồ và cặp mắt híp chịp à! Nhưng kỳ cục nhất là cái miệng, cong vểnh lên với một cái môi uốn ngược. Một cái miệng độc đáo nhất trên đời. Đi thăm em bé về lỡ ai có hỏi, Rin chỉ trả lời bằng một bộ mặt buồn xo và duy nhất câu: “Em bé há? Xấu bắt… bất mãn luôn”.
Em bé đã đen, lại còn chắc nụi nên cậu Hai đặt tên cho em là “Gỗ Lim”. Càng lớn Gỗ Lim càng bớt xấu và cứ thế mà thay da đổi thịt, cho đến năm hai tuổi đã được gái lắm rồi. Đã thế, lại thêm má lúm đồng tiền và hết sức bụ bẫm, cùng kiểu ăn, lối nói sao mà dễ ghét…
Gỗ Lim biết nói sớm và nói rất nhiều. Bé đi vắng thì thôi mà có mặt ở nhà là khỏi nghe giọng của ai. Bà ngoại Rin hay nựng bé: “Chu choa! Cái tiếng sao mà lảnh lót”. Cũng may, giọng của Gỗ Lim rất hay. Một thứ giọng miền Trung lai miền Bắc rất đặc biệt. Sở dĩ, bé có giọng nói như vậy là do mẹ của bé người bắc, lại nữa mợ Hai trong nhà cũng người bắc nên có ảnh hưởng. Gỗ Lim háu ăn thôi khỏi chê. Khác với anh Rin ăn ít và ốm nhom, bé ăn nhiều và mập tròn. Bé đói bụng luôn và đòi ăn hoài. Nhớ có lần đã tới giờ ăn của bé mà mợ Út còn mắc nói chuyện với bạn ở nhà trên. Bé gọi mẹ tới tấp và luýnh quýnh chạy lên, chạy xuống tới mấy lần mà mợ Út vẫn không chịu nhúc nhích. Tức quá, bé đập đầu vô cái chạn để thức ăn. Vừa đập vừa la inh ỏi: “Mẹ ơi! Mẹ… Cá cơm canh… Cá cơm canh đi mà mẹ ơi!...”, khiến cả nhà được một trận cười.
Bé Gỗ Lim rất thích hợp với quần soọc, áo thun ba lỗ. Mặc đồ như vậy nhìn bé hơi giống con trai nhưng được cái kháu khỉnh. Có lần, bố Rin đi công tác ngoài Hà Nội mua về cho Gỗ Lim bộ áo dài, may theo kiểu vua Càn Long. Bé ưa lắm dù rộng thùng thình. Đòi mặc liền và khoác vô người được rồi, là cứ ngoài đường đứng chứ không chịu vô nhà. Cũng có ý khoe và để coi có ai khen dùm cho lấy một tiếng. Ai dè… vô duyên hết sức, đành quay vào và chỉ dám xúng xính đi qua, đi lại. Vừa đi vừa vén cao ống quần vì quá dài. Bước đi rón rén, điệu đàng quá mà không giống với Gỗ Lim trùi trụi thường ngày chút nào.
* * *
Rồi Gỗ Lim theo ba má vô Sài Gòn và Rin bắt đầu trông tới tết, để được gặp lại em. Tết năm ngoái, bé còn nói tiếng hơi lai nam chứ còn tết vừa rồi, giọng nam rặt ri. Nghe ngộ quá trời! Hai anh em lại tiếp tục thiếu… hòa hợp khiến mợ Hai phải lên tiếng: “Cái kiểu này chắc số Mười cứ bị chia cắt hoài”. Còn cậu Hai lại tủm tỉm cười, khi buông ra câu: “Tách Một ra, ốm quá cũng kỳ, mà tách Không ra mập quá cũng dị. Hai số kết lại, coi bộ ngon!”. Ngon đâu không thấy. Gây hoài! Cũng do bé láu cá nữa chứ bộ. Rin muốn nghe nó hát lại mấy bài lúc trước, hồi còn ở nhà nên năn nỉ:
- Lim hát bài “Bắc kim thang” cho anh Rin nghe đi!
- Bài đó hả? Để em coi đã…
- Hồi trước Lim thuộc bài này bắt nhuyễn mà.
- Nhưng bây giờ… thua rồi.
- Vậy bài “Bé lên ba”.
- Bài đó hả? Quên mất tiêu rồi.
Gỗ Lim đã láu cá lại còn hay lý sự nữa chứ! Cái gì cũng tự nhiên, tự nhiên… Hư, bị mẹ la cũng phải nói lại mới chịu, lý sự là: “Con đâu có làm gì mà tự nhiên mẹ la con”. Phá đàn của anh Rin, bị nhắc nhở cũng: “Tự nhiên nhắc con”. Rọ rậy chi vô máy tính của mợ Hai để được dặn dò, cũng: “Tự nhiên dặn con”. Bởi cứ tự nhiên, tự nhiên nên trời mới… tự nhiên đổ mưa khi cả nhà đã sửa soạn đi chơi, bữa mùng bốn tết. Khi ai nấy đã quần là áo lượt mà đành ngồi dòm phố xá bên ngoài khung cửa kính đóng chặt. Hỏi sao không bực và không trách Gỗ Lim đây chứ! Bé cũng đâu phải loại vừa nên chống chế ngay: “Con ngồi im vầy. Cái tự nhiên trời mưa. Cái tự nhiên đổ thừa con”. Bà ngoại ngán cái tự nhiên của bé quá, vội la lên: “Thôi… Đủ rồi. Đủ cái… tự nhiên rồi đó. Tự nhiên đừng có cãi nữa đi. Tự nhiên… im giùm đi”.
Từ lúc hai tuổi rưỡi đến giờ, bỗng phát sinh ở Gỗ Lim cái tật thích uống thuốc. Rin có ý nghĩ nó ưa đau lắm hay sao! Bởi có đau thì mới được đi tới bác sĩ, được uống thuốc. Thuốc đắng và khó uống cỡ nào, nó cũng ngửa cổ “ực” một cái là xong. Nhìn bé uống thuốc mình cứ tưởng như nó uống sữa hay nước ngọt gì đó. Và nhìn nó uống thuốc mà Rin bắt thèm. Bởi khác Gỗ Lim, Rin uống thuốc rất khó khăn. Phải tính toán thật kỹ, chứ uống vô mửa ra cũng như không. Mà nghĩ cũng tức vì cái đứa thích uống thuốc, lại ít bị đau và có thuốc đâu để mà uống. Còn cái đứa đau hoài sao mà quá sợ thuốc.
Bởi có cái ý thích kỳ quặc như vậy nên nhà có người đau là Lim sinh chuyện liền liền. Có lần mẹ nó chở hai anh em đi mua thuốc cho ba vì cậu Út bị cảm. Bé luôn miệng năn nỉ mẹ: “Mẹ ơi! Mua thuốc cho con đi mà. Con đau rồi mà. Con ho cả đêm mà” làm mấy người đứng gần đó rất ngạc nhiên. Bực, về tới nhà Rin dạy dỗ bé ngay:
- Sao Gỗ Lim nhiều chuyện vậy?
- Em đâu có làm gì đâu. Sao tự nhiên anh Rin la em nhiều chuyện?
- Thì em không có đau. Sao đòi uống thuốc?
- Tự nhiên anh Rin nói vậy? Em ho cả đêm rồi em nóng đầu cả đêm.
- … Rồi em ngủ khì cả đêm. Rồi tự nhiên em không đau mà tự nhiên em nói đau. Để tự nhiên em được uống thuốc. Đúng chưa?
Vừa nghe Rin nói tới đó Gỗ Lim lao vào người anh, bắt đền. Đổ thừa rồi bắt đền luôn là cái kiểu “ăn hiếp” anh của bé, từ hồi nào tới giờ. Từ lúc con số Không tròn quay của Gỗ Lim được xếp đứng cạnh con số Một lênh khênh của anh Rin, làm thành con số Mười hết sức ấn tượng. Một con số Mười anh em, thật đáng yêu của nhà ngoại.
N.M.N